DOANH NGHIỆP VỐN NƯỚC NGOÀI ĐƯỢC GÓP VỐN BẰNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT KHÔNG?

DOANH NGHIỆP VỐN NƯỚC NGOÀI ĐƯỢC GÓP VỐN BẰNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT KHÔNG?

Doanh nghiệp vốn nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam, không chỉ thông qua cung cấp nguồn vốn, mà còn mang lại công nghệ hiện đại và tạo cơ hội việc làm cho người lao động. Trong bối cảnh chính sách pháp luật đang dần hoàn thiện, việc hiểu rõ quy định về quyền sử dụng đất và khả năng góp vốn bằng quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp có vốn nước ngoài sẽ giúp tối ưu hóa cơ hội đầu tư, thúc đẩy sự phát triển và mở rộng kinh doanh.

Có được góp vốn bằng quyền sử dụng đất hay không?

Quyền sử dụng đất là một trong những loại tài sản được sử dụng để góp vốn được phép theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020, miễn rằng đáp ứng yêu cầu về tính khả thi trong định giá và yêu cầu về quyền sở hữu hợp pháp của chủ thể góp vốn. “Góp vốn” trong trường hợp này bao gồm góp vốn thành lập mới hoặc góp thêm vốn điều lệ của tổ chức kinh tế đã được thành lập.

Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 41 Luật Đất đai 2024, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được phép góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất trong trường hợp đang được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, hoặc được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án.

Trích dẫn quy định:

“3. Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 26 và Điều 31 của Luật này;

b) Chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất trong thời hạn sử dụng đất;

c) Cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất trong thời hạn sử dụng đất;

d) Thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam;

đ) Góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất.

Việc hiểu rõ quy định về quyền sử dụng đất và khả năng góp vốn bằng quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp có vốn nước ngoài sẽ giúp tối ưu hóa cơ hội đầu tư, thúc đẩy sự phát triển và mở rộng kinh doanh (Ảnh: Internet).

Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện góp vốn bằng quyền sử dụng đất cần đáp ứng điều kiện gì?

Người sử dụng đất góp vốn bằng quyền sử dụng đất cần thỏa mãn đầy đủ điều kiện quy định, để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch, bao gồm:

Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất

Người sử dụng đất phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất, chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa, tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước, cộng đồng dân cư và trường hợp quy định.

Tình trạng tranh chấp đất

Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật.

Tình trạng áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án

Quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự.

Thời hạn sử dụng đất

Đảm bảo trong thời hạn sử dụng đất theo quy định.

Tình trạng áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, người sử dụng đất đồng thời lưu ý đáp ứng điều kiện tương ứng trong từng trường hợp đặc thù.

Để việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất hợp pháp, cần lưu ý đối với thủ tục pháp lý nào?

Định giá khi góp vốn bằng quyền sử dụng đất

Quyền sử dụng đất là tài sản góp vốn phải được định giá thành đồng Việt Nam, thực hiện thông qua tổ chức thẩm định giá, thành viên, cổ đông công ty… theo quy định tương ứng từng trường hợp.

Trách nhiệm pháp lý đặt ra đối với chủ sở hữu, thành viên, cổ đông, người góp vốn trong trường hợp xảy ra bất kỳ chênh lệch tăng về giá trị định giá so với giá trị thưc tế tại thời điểm góp vốn.

Chuyển quyền sở hữu quyền sử dụng đất

Người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho công ty theo thủ tục quy định. Việc góp vốn chỉ được coi là thanh toán xong và hoàn thành khi quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn đã chuyển sang công ty.

Đối với thủ tục công chứng, chứng thực, hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực. Ngoại trừ chỉ áp dụng đối với trường hợp trong các bên tham gia giao dịch có tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản, khi đó, hợp đồng có thể được công chứng, chứng thực tùy thuộc yêu cầu của các bên.

Bên cạnh đó, nghĩa vụ tài chính có liên quan cũng cần được hoàn thành đầy đủ, đúng hạn theo quy định.

Căn cứ pháp lý:

  • Luật Doanh nghiệp 2020;
  • Luật Đất đai 2024.

𝐋𝐈𝐍𝐂𝐎𝐍 𝐋𝐀𝐖 𝐅𝐈𝐑𝐌 – 𝐇𝐨̛̣𝐩 𝐭𝐚́𝐜 𝐯𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐛𝐞̂̀𝐧

Bình Luận

Bình Luận

Chưa có bình luận nào.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *