>>> MỘT SỐ LƯU Ý KHI SOẠN THẢO HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI (KỲ 1) (tiếp)
2. Chủ thể và đại diện giao kết hợp đồng thương mại
2.2. Đối với chủ thể ký Hợp đồng thương mại
Đại diện ký kết hợp đồng trong thương mại bắt buộc phải là cá nhân đáp ứng những yêu cầu của pháp luật, đó là: (i) Cá nhân có hành vi dân sự đầy đủ; (ii) Được quyền nhân danh một bên của hợp đồng để ký kết hợp đồng.
Theo đó, thẩm quyền đại diện ký kết hợp đồng được thiết lập bằng hai cách là đại diện đương nhiên (đại diện theo pháp luật) và đại diện theo ủy quyền. Đại diện theo pháp luật là đại diện do pháp luật quy định. Người đại diện theo pháp luật có thể ủy quyền cho người khác thay mặt ký kết hợp đồng, gọi là người đại diện theo ủy quyền. Ủy quyền có thể là ủy quyền theo vụ việc hoặc ủy quyền thường xuyên. Ủy quyền theo vụ việc là hình thức ủy quyền bằng văn bản để ký kết một hoặc một số hợp đồng cụ thể. Trong hoạt động thương mại, việc ủy quyền thường xuyên không nhất thiết phải thể hiện bằng giấy ủy quyền. Có thể ủy quyền thường xuyên bằng việc ghi nhận trong điều lệ hoặc quy chế hoạt động của doanh nghiệp. Dù là ủy quyền bằng hình thức nào thì doanh nghiệp cũng cần phải kiểm tra Giấy ủy quyền của chủ thể ký Hợp đồng hoặc kiểm tra Điều lệ Công ty xem thẩm quyền ký kết hợp đồng có hợp pháp hay không bởi lẽ nếu chủ thể kí kết hợp đồng không đáp ứng yêu cầu của pháp luật thì sẽ dẫn đến hậu quả pháp lí là hợp đồng thương mại bị vô hiệu toàn bộ.
Tuy nhiên, cần lưu ý trong trường hợp Hợp đồng thương mại được xác lập bởi người không có thẩm quyền thì hậu quả vô hiệu có thể được khắc phục. Căn cứ quy định tại Điều 142 BLDS năm 2015, giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện vẫn có thể làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện nếu rơi vào một trong 03 trường hợp sau:
– Người được đại diện đã công nhận giao dịch;
– Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý;
– Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình không có quyền đại diện”
Như vậy nếu rơi vào một trong 03 trường hợp được quy định tại Khoản 1 Điều 142 BLDS năm 2015 thì Hợp đồng thương mại do người không có thẩm quyền đại diện xác lập vẫn có khả năng được công nhận hiệu lực.
Cũng theo tinh thần của Nghị quyết 04/2003/NQ-HĐTP, hợp đồng do người không đúng thẩm quyền ký kết vẫn được công nhận hiệu lực nếu trong quá trình thực hiện hợp đồng kinh tế, người mà theo quy định của pháp luật có thẩm quyền ký kết hợp đồng kinh tế đó chấp thuận. Được coi là người có thẩm quyền chấp thuận nếu người đó đã biết hợp đồng kinh tế đã được ký kết mà không phản đối, điều này được hiểu như sau:
– Sau khi hợp đồng kinh tế đã được ký kết, có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng người ký kết hợp đồng kinh tế đã báo cáo với người có thẩm quyền biết hợp đồng kinh tế đã được ký kết (việc báo cáo đó được thể hiện trong biên bản họp giao ban của Ban giám đốc, biên bản cuộc họp của Hội đồng thành viên hay Hội đồng quản trị, có nhiều người khai thống nhất về việc báo cáo là có thật…).
– Người có thẩm quyền thông qua các chứng từ, tài liệu về kế toán, thống kê biết được hợp đồng kinh tế đó đã được ký kết và đang được thực hiện (đã ký trên hoá đơn, phiếu xuất kho, các khoản thu chi của việc thực hiện hợp đồng kinh tế hoặc trên sổ sách kế toán của pháp nhân…).
– Người có thẩm quyền có những hành vi chứng minh có tham gia thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh theo thoả thuận của hợp đồng kinh tế (ký các văn bản xin gia hạn thời gian thanh toán, cam kết sẽ thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, ký các văn bản duyệt thu, chi hay quyết toán đối chiếu công nợ liên quan đến việc thực hiện hợp đồng kinh tế…).
– Người có thẩm quyền đã trực tiếp sử dụng các tài sản, lợi nhuận có được do việc ký kết, thực hiện hợp đồng kinh tế mà có (sử dụng xe ôtô để đi lại, để kinh doanh mà biết do việc ký kết, thực hiện hợp đồng kinh tế đó mà có; sử dụng trụ sở làm việc do việc ký kết, thực hiện hợp đồng kinh tế thuê tài sản…)”
3. Giá cả và phương thức thanh toán
3.1. Giá cả
Thỏa thuận rõ giá cả được ghi trong Hợp đồng đã bao gồm các chi phí phát sinh khác hay chưa, Ví dụ: chi phí vận chuyển, chi phí lắp đặt, giá trị gia tăng,….
Đối với những loại hàng hóa có giá cả biến động thì nên quy định thêm điều khoản về việc điều chỉnh giá cả. Theo đó cả hai bên đều có quyền yêu cầu đối phương thay đổi/ điều chỉnh giá cả cho phù hợp với thị trường. Điều này góp phần hạn chế rủi ro khi giá cả hàng hóa trên thị trường biến động mạnh do những tác động khách quan lẫn chủ quan, khiến cho việc tiếp tục thực hiện Hợp đồng sẽ làm mất đi vị thế cân bằng trong Hợp đồng, làm cho một hoặc các bên trong Hợp đồng không đạt được mục đích ban đầu khi ký kết Hợp đồng
3.2. Đối với việc lựa chọn đồng tiền thanh toán
Để tránh trường hợp Hợp đồng thương mại bị tuyên bố vô hiệu, các bên cần thỏa thuận giá cả, thanh toán bằng đồng Việt Nam (lưu ý đối với một số hợp đồng chuyên biệt thì việc thỏa thuận giá cả, thanh toán bằng ngoại tệ vẫn hợp pháp), bởi lẽ, căn cứ theo quy định tại Điều 3 Thông tư 32/2013/TT-NHNN về nguyên tắc hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam: “Trên lãnh thổ Việt Nam, trừ các trường hợp được sử dụng ngoại hối quy định tại Điều 4 Thông tư này, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác (bao gồm cả quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận) của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối”
Tuy nhiên, đối với hợp đồng mà trong nội dung của hợp đồng các bên có thoả thuận giá cả, thanh toán bằng ngoại tệ cần phân biệt theo tinh thần của Nghị Quyết 03/2004/NQ-HĐTP như sau:
“a. Nếu trong nội dung của hợp đồng kinh tế các bên có thoả thuận giá cả, thanh toán bằng ngoại tệ trong khi đó một hoặc các bên không được phép thanh toán bằng ngoại tệ, thì hợp đồng kinh tế bị coi là vô hiệu toàn bộ thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh HĐKT (các bên vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý ngoại tệ). Trong trường hợp này nếu một hoặc các bên có yêu cầu Tòa án giải quyết thì Toà án tuyên bố hợp đồng vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu theo thủ tục chung.
Nếu trong nội dung của hợp đồng kinh tế các bên có thoả thuận giá cả, thanh toán bằng ngoại tệ trong khi đó một hoặc các bên không được phép thanh toán bằng ngoại tệ, nhưng sau đó các bên có thoả thuận thanh toán bằng Đồng Việt Nam hoặc trong nội dung của hợp đồng kinh tế các bên thỏa thuận sử dụng ngoại tệ làm đồng tiền định giá (để bảo đảm ổn định giá trị của hợp đồng) nhưng việc thanh toán là bằng Đồng Việt Nam, thì hợp đồng kinh tế không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh HĐKT và do đó không bị coi là vô hiệu toàn bộ”
Như vậy trong trường hợp Hợp đồng có điều khoản về giá cả bằng đồng ngoại tệ thì Hợp đồng vẫn có thể được công nhận hiệu lực nếu các bên có thỏa thuận về việc thanh toán bằng đồng tiền Việt Nam theo giá quy đổi tại thời điểm tương ứng.
3.3. Đối với việc lựa chọn phương thức thanh toán
Nếu lựa chọn phương thức trả tiền mặt thì cần quy định rõ ràng trong Hợp đồng địa điểm thanh toán, chủ thể nhận thanh toán. Nếu lựa chọn phương thức chuyển khoản thông qua tài khoản ngân hàng thì cần ghi rõ trong Hợp đồng thông tin về tài khoản chuyển khoản.
Lưu ý, với những khoản thanh toán từ 20 triệu đồng trở lên, nếu một bên muốn sử dụng làm chi phí được trừ đi khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp và khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào thì bắt buộc doanh nghiệp phải thanh toán bằng hình thức chuyển khoản qua ngân hàng – không thanh toán bằng tiền mặt theo Thông tư 96/2015/TT-BTC.
4. Bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm Hợp đồng
Về nguyên tắc, bồi thường thiệt hại được áp dụng khi có thiệt hại xảy ra không phụ thuộc vào việc các bên có thỏa thuận hay không. Riêng đối với Phạt vi phạm, các bên phải thỏa thuận và việc thỏa thuận này phải được ghi nhận trong hợp đồng.
Căn cứ quy định tại Điều 307 Luật Thương mại năm 2005 về quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và chế tài bồi thường thiệt hại:
“1. Trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.”
Như vậy, trong trường hợp các bên chỉ thỏa thuận Phạt vi phạm thì bên bị vi phạm vẫn có quyền yêu cầu áp dụng đồng thời hai chế tài là phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại (nếu có) – khác với quy định tại khoản 3 Điều 418 Bộ luật dân sự năm 2015: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm”. Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro, các bên cần thỏa thuận rõ các trường hợp bị phạt vi phạm, buộc bồi thường thiệt hại cũng như điều kiện để loại trừ các trách nhiệm trên.
Với thỏa thuận phạt vi phạm, căn cứ quy định tại Điều 301 Luật Thương mại năm 2005: “Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm”. Theo đó, nếu các bên thỏa thuận mức phạt trên 8% thì phần vượt quá sẽ bị coi là vô hiệu do trái quy định của pháp luật. Cần lưu ý “8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm” khác với “8% giá trị hợp đồng”. Nếu các bên có thỏa thuận như trên thì khi tranh chấp xảy ra, điều khoản này có thể bị tuyên vô hiệu một phần.
Trên thực tế, việc xác định “8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm” là không đơn giản. Đối với nghĩa vụ thanh toán hoặc các nghĩa vụ khác có thể được quy đổi thành tiền, có căn cứ để xác định mức phạt không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Tuy nhiên, không phải nghĩa vụ Hợp đồng nào cũng có thể tính toán rõ ràng giá trị phần Hợp đồng bị vi phạm. Do vậy các bên cần phải lưu ý soạn thảo rõ ràng về căn cứ cũng như cách xác định mức phạt vi phạm để tránh xảy ra tranh chấp sau này.
Riêng đối với nghĩa vụ chậm thanh toán, căn cứ Điều 306 Luật Thương mại năm 2005: “Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Như vậy, đối với các hợp đồng có nghĩa vụ thanh toán, bên có quyền yêu cầu thanh toán có thể buộc bên còn lại phải trả lãi chậm trả trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả dù có thỏa thuận trước trong Hợp đồng hay không. Tuy nhiên, nếu không thỏa thuận thì mức lãi có thể yêu cầu thanh toán chỉ có thể là 10%/năm, nếu có thỏa thuận thì có thể lên tới 20%/năm theo Điều 357 và 469 Bộ luật dân sự.
Câu hỏi đặt ra là, để hạn chế tối đa việc thanh toán không đúng hoặc không đầy đủ của bên có nghĩa vụ thanh toán, một số Hợp đồng vừa quy định cả Phạt vi phạm vừa quy định cả lãi chậm trả trên số tiền chậm trả, quy định đấy liệu có đúng với quy định của pháp luật hay không? Hiện nay vấn đề này vẫn chưa có văn bản hướng dẫn, do vậy có quan điểm cho rằng thỏa thuận như trên vẫn được công nhận và có hiệu lực pháp lý vì không vi phạm điều cấm của luật. Ở bài viết tiếp theo, Công ty Luật Lincon sẽ đưa ra quan điểm pháp lý dựa trên các văn bản pháp luật liên quan.
𝐋𝐈𝐍𝐂𝐎𝐍 𝐋𝐀𝐖 𝐅𝐈𝐑𝐌 – Hợp tác vững bền
- Tại Hà Nội: Tầng 5, Golden Tower, 275 đường Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội
- Tại TP.HCM: 272 Đỗ Pháp Thuận, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
- Website: http://linconlaw.vn/
- Email: Lawyer@linconlaw.vn
- Linkedln: linkedin.com/in/lincon-law-firm-100b96201
- Hotline: +84.987.733.358