Việt Nam hiện là một điểm đến đầy tiềm năng với nền kinh tế trong giai đoạn phát triển nhanh. Tuy nhiên, cùng với điều kiện hấp dẫn, thu hút là không ít thách thức phải đối mặt để tiến tới xây dựng kinh tế xanh, bền vững. Chuyển tiếp từ nền kinh tế tuyến tính truyền thống sang kinh tế tuần hoàn, Việt Nam đang xây dựng cho mình Cơ chế thử nghiệm như thế nào, đối tượng và lĩnh vực được quy định ra sao, cùng tham khảo bài viết dưới đây.
1. Kinh tế tuần hoàn
a. Khái niệm kinh tế tuần hoàn
Kinh tế tuần hoàn là một mô hình tổ chức hoạt động kinh tế hiện đại có tính khép kín và liên hoàn của nhiều đơn vị sản xuất gắn kết với nhau trên nguyên tắc “mọi thứ đều là đầu vào của sản phẩm khác”, tận dụng hiệu quả dịch vụ kết nối (tài chính, logistics, công nghệ thông tin và truyền thông).
Khái niệm “kinh tế tuần hoàn” thực chất đã xuất hiện và được sử dụng chính thức đầu tiên bởi Pearce và Turner (1990). Khái niệm chỉ nền kinh tế này vận hành thông qua biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác hay tuần hoàn trong nội tại bản thân của một doanh nghiệp, thông qua sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ việc sử dụng chất thải nguy hại thông qua thiết kế ưu việt của vật liệu, sản phẩm, hệ thống. Mục đích giảm chi phí, giảm chất thải và ô nhiễm môi trường.
Tại Việt Nam, mô hình sản xuất khép kín tương tự đã từng rất phổ biến với khái niệm “vườn – ao – chuồng”, sử dụng rác hữu cơ từ trồng trọt làm thức ăn gia súc cho cá, gia cầm, gia súc.
b. Mục đích Cơ chế thử nghiệm
Việc xây dựng một cơ chế thống nhất chung hướng tới liên kết sản xuất có tính tuần hoàn được kỳ vọng nhằm tháo gỡ vướng mắc về nguồn cung tài nguyên, ô nhiễm từ lượng chất thải lớn đe dọa an ninh môi trường, an ninh nguồn nước và biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển kinh tế xanh và bền vững.
2. Lĩnh vực áp dụng
– Nông, lâm nghiệp và thủy sản;
– Công nghiệp;
– Năng lượng tái tạo;
– Vật liệu xây dựng.
>> 6 CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI PHÁT TRIỂN KINH TẾ TUẦN HOÀN https://linconlaw.vn/6-chinh-sach-uu-dai-phat-trien-kinh-te-tuan-hoan/
>> THỦ TỤC CẤP CHỨNG CHỈ NĂNG LỰC THIẾT KẾ, THẨM TRA THIẾT KẾ XÂY DỰNG HẠNG II https://linconlaw.vn/thu-tuc-cap-chung-chi-nang-luc-thiet-ke-tham-tra-thiet-ke-xay-dung-hang-ii/
3. Đối tượng tham gia Cơ chế thử nghiệm kinh tế tuần hoàn
a. Tổ chức thuộc đối tượng điều chỉnh của Dự thảo Cơ chế thử nghiệm kinh tế tuần hoàn được xác định gồm:
– Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức sản xuất, tợp tác liên kết, hợp tác kinh doanh trong các dự án ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn;
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan tới quản lý, thành lập, phát triển mới, chuyển đổi các dự án ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.
b. Điều kiện xem xét tham gia Cơ chế thử nghiệm kinh tế tuần hoàn
Tổ chức được xem xét cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm khi đáp ứng đồng thời các điều kiện và tiêu chí:
– Điều kiện đối với tổ chức tham gia:
+ Là pháp nhân được thành lập và hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam; không đang trong quá trình chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể, phá sản theo quyết định đã được ban hành;
+ Có năng lực tài chính hoặc kế hoạch tiếp cận tài chính rõ ràng, khả thi; không có nợ xấu, vi phạm nghiêm trọng về thuế hoặc công bố thông tin theo quy định của pháp luật;
+ Có dự án kinh tế tuần hoàn cụ thể hoặc đề xuất dự án kinh tế tuần hoàn cụ thể thuộc các lĩnh vực quy định.
– Tiêu chí đối với dự án:
+ Có kế hoạch khả thi và có tiềm năng phát huy tác động tích cực cả về kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó tác động về kinh tế là chủ đạo, thể hiện qua lợi nhuận của doanh nghiệp, năng suất lao động, việc làm và thu nhập cho người lao động.
+ Chủ yếu sử dụng nguyên liệu đầu vào trong nước.
+ Dựa đáng kể trên nền tảng tiếp cận, ứng dụng và làm chủ các thành tựu của Cách mạnh Công nghiệp 4.0; trường hợp nhập khẩu và sử dụng các công nghệ của các nước phát triển thì phải có kế hoạch rõ ràng và khả thi về chuyển giao công nghệ, làm chủ và tiến tới phát triển công nghệ ở Việt Nam.
4. Thời gian thử nghiệm
Thời gian thử nghiệm dự kiến là 05 (năm) năm, có thể gia hạn 01 (một) lần với thời gian gia hạn là 05 (năm) năm tính từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm.
Tài liệu tham khảo:
- Dự thảo Nghị định về Cơ chế phát triển kinh tế tuần hoàn;
- Báo Điện tử Chính phủ, Đề xuất Cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn ngày 08/9/2023, Khánh Linh. Link: https://baochinhphu.vn/de-xuat-co-che-thu-nghiem-phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-102230908164020756.htm
𝐋𝐈𝐍𝐂𝐎𝐍 𝐋𝐀𝐖 𝐅𝐈𝐑𝐌 – 𝐇𝐨̛̣𝐩 𝐭𝐚́𝐜 𝐯𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐛𝐞̂̀𝐧
- Tại Hà Nội: Tầng 4, Tòa nhà Sudico, đường Mễ Trì, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
- Tại TP.HCM: 272 Đỗ Pháp Thuận, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
- Website: http://linconlaw.vn/
- Email: Lawyer@linconlaw.vn
- Facebook: https://www.facebook.com/Linconlawfirmm
- Linkedln: linkedin.com/in/lincon-law-firm-100b96201
- Hotline: +84.987.733.358