QUYỀN CỦA BÊN ĐÒI NỢ

QUYỀN CỦA BÊN ĐÒI NỢ

“Bên đòi nợ” (hay người có quyền yêu cầu hoàn thành nghĩa vụ nợ) có quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ quyền lợi tài chính của mình, tuy nhiên cần lưu ý tuân thủ các quy định của pháp luật. Vậy quyền của bên đòi nợ gồm những gì?

1. Bên đòi nợ có quyền yêu cầu bên còn lại thực hiện đúng hợp đồng 

Buộc thực hiện đúng hợp đồng là quyền của bên đòi nợ yêu cầu bên nợ (hay lần lượt là bên bị vi phạm và bên vi phạm, xét theo quan hệ trong hợp đồng) thực hiện đúng thỏa thuận tại hợp đồng. Thỏa thuận tại hợp đồng có thể bao gồm các quyền, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến khoản nợ đang bị thu hồi, các biện pháp khác để nghĩa vụ trên được thực hiện cùng chi phí phát sinh mà bên vi phạm phải chấp hành.

Trong đó, chi phí phát sinh bên nợ phải chấp hành là các khoản bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm hợp đồng như được trình bày cụ thể tại mục dưới bài viết này. Tùy thuộc thỏa thuận các bên, quyền của bên đòi nợ có thể gồm yêu cầu bên nợ chấp hành:

– Chịu đồng thời phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại;

– Chỉ bồi thường thiệt hại mà phải không chịu phạt vi phạm.

Thông qua hình thức gửi thông báo, thư điện tử hoặc các hình thức khác quy định trong hợp đồng, một bên có thể buộc bên còn lại nghiêm túc thực hiện hợp đồng theo đúng thoả thuận của các bên trước đó. 

2. Quyền của bên đòi nợ áp dụng phạt vi phạm hợp đồng 

Quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm. Tại Luật Thương Mại 2005, phạt vi phạm được xác định là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định.

Về mức phạt, theo Luật Thương Mại 2005, trừ khi được quy định cụ thể khác đi, mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

Tuy nhiên cần lưu ý, quyền của bên đòi nợ yêu cầu khoản phạt này chỉ có thể được áp dụng nếu được ghi nhận tại hợp đồng. Nói cách khác, chế tài phạt vi phạm hợp đồng không phải là chế tài tự động phát sinh mà phải căn cứ vào thoả thuận ban đầu của các bên.

“Bên đòi nợ” có quyền áp dụng các biện pháp yêu cầu hoàn thành nghĩa vụ nợ.

3. Quyền của bên đòi nợ yêu cầu bồi thường thiệt hại 

Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

Lưu ý, để thực hiện quyền của bên đòi nợ đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại, bên đòi nợ có nghĩa vụ chứng minh các khoản thiệt hại của mình, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm thì mới có thể yêu cầu bên vi phạm thanh toán các khoản tiền bồi thường thiệt hại. 

Theo Bộ luật Dân sự 2015, người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại. Ngoài ra, theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền.

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật Dân sự 2015.
  • Luật Thương mại 2005.

𝐋𝐈𝐍𝐂𝐎𝐍 𝐋𝐀𝐖 𝐅𝐈𝐑𝐌 – 𝐇𝐨̛̣𝐩 𝐭𝐚́𝐜 𝐯𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐛𝐞̂̀𝐧

Bình Luận

Bình Luận

Chưa có bình luận nào.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *