THỎA THUẬN TRỌNG TÀI CẦN LƯU Ý GÌ?

THỎA THUẬN TRỌNG TÀI CẦN LƯU Ý GÌ?

Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả và nhanh gọn. Tuy nhiên, để giải quyết tranh chấp và công nhận phán quyết một cách hợp lệ, cần lưu ý một số vấn đề sau về thỏa thuận Trọng tài.

Chỉ được đưa tranh chấp giải quyết tại Trọng tài nếu có thỏa thuận

Các bên tranh chấp có quyền đưa tranh chấp ra giải quyết tại Trọng tài, tuy nhiên phải có thỏa thuận cụ thể. Trọng tài sẽ giải quyết phần tranh chấp căn cứ thỏa thuận của các bên và trên cơ sở thuộc phạm vi thẩm quyền của mình phù hợp với quy định pháp luật.

Người xác lập thoả thuận Trọng tài phải có năng lực hành vi dân sự và thẩm quyền theo quy định của pháp luật

Người xác lập thỏa thuận Trọng tài phải có năng lực hành vi dân sự. Trong đó, người được xác định là không có năng lực hành vi dân sự gồm người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Thẩm quyền được coi là hợp lệ nếu người xác lập hoặc đại diện xác lập thuộc các trường hợp sau:

– Là người đại diện theo pháp luật;

– Là người được ủy quyền hợp pháp. Lưu ý, phạm vi thỏa thuận Trọng tài phải phù hợp phạm vi được ủy quyền.

Tuy nhiên, nếu thỏa thuận Trọng tài do người không có thẩm quyền xác lập nhưng trong quá trình xác lập, thực hiện thỏa thuận Trọng tài hoặc trong tố tụng Trọng tài mà người có thẩm quyền xác lập thỏa thuận Trọng tài đã chấp nhận hoặc đã biết mà không phản đối, thì thỏa thuận Trọng tài không vô hiệu.

Thoả thuận Trọng tài phải được xác lập dưới hình thức quy định

Các bên có thể thống nhất về việc xác lập thỏa thuận Trọng tài dưới hình thức điều khoản Trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng. Tuy nhiên cần lưu ý, thoả thuận Trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản.

Một số hình thức thỏa thuận sau đây cũng được coi là xác lập dưới dạng văn bản:

– Thoả thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;

– Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên;

– Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên;

– Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận Trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác;

– Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thoả thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận.

Để giải quyết tranh chấp và công nhận phán quyết một cách hợp lệ, cần lưu ý những vấn đề luật định liên quan đến thỏa thuận Trọng tài.

Thỏa thuận Trọng tài phải thực hiện được

Là một trong những căn cứ xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp, nếu thỏa thuận Trọng tài mặc dù được xác lập đúng về hình thức tuy nhiên không thể thực hiện được, thì một bên có quyền khởi kiện tại Toà án.

Thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được là thỏa thuận trọng tài thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Các bên đã có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài cụ thể nhưng Trung tâm trọng tài này đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức trọng tài kế thừa, và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trung tâm trọng tài khác để giải quyết tranh chấp.

– Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà Trọng tài viên không thể tham gia giải quyết tranh chấp, hoặc Trung tâm trọng tài, Tòa án không thể tìm được Trọng tài viên như các bên thỏa thuận và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế.

– Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, Trọng tài viên từ chối việc được chỉ định hoặc Trung tâm trọng tài từ chối việc chỉ định Trọng tài viên và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế.

– Các bên có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài nhưng lại thỏa thuận áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác với Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài đã thỏa thuận và điều lệ của Trung tâm trọng tài do các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp không cho phép áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác và các bên không thỏa thuận được về việc lựa chọn Quy tắc tố tụng trọng tài thay thế.

– Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng có điều khoản về thỏa thuận Trọng tài được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn nhưng khi phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn Trọng tài giải quyết tranh chấp.

Lưu ý khác

Ngoài ra, thỏa thuận Trọng tài sẽ bị coi là vô hiệu nếu do một trong các bên bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận Trọng tài; hoặc do vi phạm điều cấm của pháp luật

Căn cứ pháp lý:

  • Luật Trọng tài thương mại 2010;
  • Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành Quy định Luật Trọng tài thương mại do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành.

𝐋𝐈𝐍𝐂𝐎𝐍 𝐋𝐀𝐖 𝐅𝐈𝐑𝐌 – 𝐇𝐨̛̣𝐩 𝐭𝐚́𝐜 𝐯𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐛𝐞̂̀𝐧

Bình Luận

Bình Luận

Chưa có bình luận nào.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *