THỦ TỤC NHẬN CON NUÔI TRẺ EM BỊ BỎ RƠI

THỦ TỤC NHẬN CON NUÔI TRẺ EM BỊ BỎ RƠI

Trẻ em bị bỏ rơi có quyền được nhận làm con nuôi và đảm bảo cuộc sống gia đình đầy đủ cho sự phát triển của trẻ. Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi sẽ có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con. Vậy thủ tục nhận con nuôi trẻ em bị bỏ rơi được thực hiện thế nào?

1. Trẻ em bị bỏ rơi được nhận làm con nuôi cần đáp ứng điều kiện gì?

Trẻ em bị bỏ rơi là trẻ em không xác định được cha mẹ đẻ, có thể được nhận nuôi và là đối tượng được khuyến khích nhận nuôi theo quy định của pháp luật hiện hành.

Lưu ý, một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.

2. Vì sao cần làm thủ tục nhận con nuôi trẻ em bị bỏ rơi?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc đăng ký và thực hiện đầy đủ thủ tục nhận con nuôi trẻ em bị bỏ rơi sẽ thiết lập mối quan hệ pháp lý chính thức và đảm bảo đầy đủ quyền, lợi ích hợp pháp trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con.

Việc hoàn thành thủ tục nhận con nuôi trẻ em bị bỏ rơi theo quy định sẽ dẫn tới những hệ quả pháp lý sau:

– Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật.

– Trẻ em bị bỏ rơi có thể được thay đổi họ, tên theo yêu cầu của cha mẹ nuôi. Việc thay đổi họ, tên của con nuôi từ đủ 09 tuổi trở lên phải được sự đồng ý của trẻ.

– Dân tộc của con nuôi là trẻ em bị bỏ rơi có thể được xác định theo dân tộc của cha nuôi, mẹ nuôi.

3. Thủ tục nhận con nuôi trẻ em bị bỏ rơi thực hiện như thế nào?

a. Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ nhận con nuôi trẻ em bị bỏ rơi

– Hồ sơ của người nhận con nuôi gồm:

+ Đơn xin nhận con nuôi;

+ Bản sao Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;

+ Phiếu lý lịch tư pháp.

Trường hợp là công dân Việt Nam, người nhận con nuôi có thể sử dụng phiếu lý lịch tư pháp bản điện tử hoặc bản giấy theo quy định.

Lưu ý, trường hợp người nhận con nuôi là người nước ngoài, phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan  có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc người dự kiến đứng đầu Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam phải được cấp chưa quá 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền.

+ Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;

+ Giấy khám sức khỏe;

+ Văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế. 

– Hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi gồm:

+ Giấy khai sinh;

+ Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;

+ Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng;

+ Biên bản xác nhận do Ủy ban nhân dân hoặc Công an cấp xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi;

+ Quyết định tiếp nhận đối với trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng.

Một vấn đề quan trọng từ ngày 08/01/2025, giấy tờ thuộc thành phần hồ sơ của người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi, bao gồm bất kỳ giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền lập, cấp, xác nhận mà bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung hoặc thông tin trong các văn bản, giấy tờ được khai không đúng sự thật thì sẽ không có giá trị sử dụng. Đồng thời, người thực hiện hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung hoặc khai thông tin không đúng sự thật sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.

Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi sẽ có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con (Ảnh: Internet)

b. Bước 2: Kiểm tra, xác minh hồ sơ và xác nhận trẻ em có đủ điều kiện

Cơ quan có thẩm quyền thực hiện kiểm tra hồ sơ, tiến hành lấy ý kiến của người giám hộ hoặc trẻ em đó theo quy định trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi cần được xác minh thì cơ quan có thẩm quyền thực hiện xác minh.

c. Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền quyết định cho trẻ em làm con nuôi và tổ chức giao nhận con nuôi

Khi xét thấy người nhận con nuôi và người được giới thiệu làm con nuôi có đủ điều kiện theo quy định, cơ quan có thẩm quyền tổ chức đăng ký nuôi con nuôi, trao Giấy chứng nhận nuôi con nuôi, tổ chức giao nhận con nuôi và ghi vào sổ hộ tịch trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày có ý kiến đồng ý tại Bước 2.

Giấy chứng nhận nuôi con nuôi được gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người nhận con nuôi hoặc của người được nhận làm con nuôi.

3. Lưu ý gì về nghĩa vụ thông báo sau khi nhận con nuôi trẻ em bị bỏ rơi?

Cha mẹ nuôi trong thời gian nuôi dưỡng trẻ em mồ côi có trách nhiệm thông báo về tình hình nuôi con, sự phát triển của con nuôi theo quy định. Việc thông báo được thực hiện theo hướng dẫn sau:

– Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày giao nhận con nuôi, thông báo định kỳ 06 tháng một lần cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ thường trú về tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của con nuôi với cha mẹ nuôi, gia đình, cộng đồng.

– Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cha mẹ nuôi thường trú sẽ kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện việc nuôi con nuôi.

Trong đó, trường hợp cha, mẹ nuôi thay đổi nơi thường trú khi chưa hết thời hạn phải thông báo tình hình phát triển của con nuôi, cha, mẹ nuôi có trách nhiệm tiếp tục thông báo tình hình phát triển của con nuôi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi chuyển đến cho đến khi hết thời hạn thông báo theo quy định.

Căn cứ pháp lý:

  • Luật nuôi con nuôi 2010.
  • Nghị định 19/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nuôi con nuôi.
  • Nghị định 24/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 19/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật nuôi con nuôi.
  • Nghị định 06/2025/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định về nuôi con nuôi.

𝐋𝐈𝐍𝐂𝐎𝐍 𝐋𝐀𝐖 𝐅𝐈𝐑𝐌 – 𝐇𝐨̛̣𝐩 𝐭𝐚́𝐜 𝐯𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐛𝐞̂̀𝐧

Bình Luận

Bình Luận

Chưa có bình luận nào.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *