XÁC ĐỊNH HÀNH VI XÂM PHẠM TÊN THƯƠNG MẠI

XÁC ĐỊNH HÀNH VI XÂM PHẠM TÊN THƯƠNG MẠI

Tên thương mại là một đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam, nhằm trong nhóm đối tượng quyền sở hữu công nghiệp. Hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại có thể bị xử phạt tới 20 triệu đồng. Vậy, hành vi như thế nào được xác định là xâm phạm tên thương mại?

1.         Tên thương mại là gì?

Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Trong đó, khu vực kinh doanh quy định tại khoản này là khu vực địa lý nơi chủ thể kinh doanh có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng.

2.         Tên thương mại được bảo hộ thế nào?

Theo quy định của pháp luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành, quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó. Điều này có nghĩa rằng, bảo hộ tên thương mại không phụ thuộc vào việc đăng ký với cơ quan nhà nước.

Điều kiện bảo hộ tên thương mại được xác lập trên khả năng phân biệt. Cụ thể, tên thương mại được bảo hộ nếu có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Khả năng phân biệt được xác định như sau:

– Chứa thành phần tên riêng, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi do sử dụng;

– Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh;

– Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng.

Đối với tên thương mại, đối tượng được bảo hộ được xác định trên cơ sở quá trình sử dụng, lĩnh vực và lãnh thổ sử dụng tên thương mại đó.

>> QUYỀN ĐỐI VỚI KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP, XÁC ĐỊNH YẾU TỐ XÂM PHẠM https://linconlaw.vn/quyen-doi-voi-kieu-dang-cong-nghiep-xac-dinh-yeu-to-xam-pham/

>> DỮ LIỆU CÁ NHÂN CƠ BẢN LÀ GÌ? TRÁCH NHIỆM CỦA BÊN KIỂM SOÁT DỮ LIỆU THẾ NÀO? https://linconlaw.vn/du-lieu-ca-nhan-co-ban-la-gi-trach-nhiem-cua-ben-kiem-soat-du-lieu-the-nao/

Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó.

3.       Xác định hành vi xâm phạm tên thương mại

Yếu tố xâm phạm quyền đối với tên thương mại được thể hiện dưới dạng chỉ dẫn thương mại gắn trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biển hiệu, phương tiện quảng cáo và các phương tiện kinh doanh khác, trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với tên thương mại được bảo hộ.

Căn cứ để xem xét yếu tố xâm phạm quyền đối với tên thương mại là phạm vi bảo hộ tên thương mại được xác định trên cơ sở các chứng cứ thể hiện việc sử dụng tên thương mại đó một cách hợp pháp do chủ sở hữu tên thương mại cung cấp, trong đó xác định cụ thể về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh, lĩnh vực kinh doanh và khu vực kinh doanh và quá trình sử dụng tên thương mại.

Dấu hiệu bị nghi ngờ là yếu tố xâm phạm quyền đối với tên thương mại sẽ cần phải được so sánh:

– Với tên thương mại được bảo hộ;

– Chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh liên quan đến dấu hiệu bị nghi ngờ;

– Hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tên thương mại được bảo hộ.

Việc so sánh để xác định xâm phạm tên thương mại dựa trên các căn cứ:

– Dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại được bảo hộ; trong đó một dấu hiệu bị coi là trùng với tên thương mại được bảo hộ nếu giống với tên thương mại về cấu tạo từ ngữ, kể cả cách phát âm, phiên âm đối với tên thương mại; một dấu hiệu bị coi là tương tự với tên thương mại được bảo hộ nếu tương tự về cấu tạo, cách phát âm, phiên âm đối với tên thương mại, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại được bảo hộ;

– Hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ bị coi là trùng hoặc tương tự với hàng hóa, dịch vụ mang tên thương mại được bảo hộ nếu trùng hoặc tương tự nhau về bản chất hoặc chức năng, công dụng và có cùng kênh tiêu thụ; hoặc có mối liên quan với nhau về bản chất hoặc chức năng hoặc phương thức thực hiện.

Căn cứ pháp lý:

  • Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi năm 2019);
  • Nghị định 65/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ ban hành ngày 23/8/2023;
  • Nghị định 99/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp ban hành ngày 29/08/2013.

𝐋𝐈𝐍𝐂𝐎𝐍 𝐋𝐀𝐖 𝐅𝐈𝐑𝐌 – 𝐇𝐨̛̣𝐩 𝐭𝐚́𝐜 𝐯𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐛𝐞̂̀𝐧

Bình Luận

Bình Luận

Chưa có bình luận nào.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *