Trong thời đại công nghệ số, việc giao dịch và chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng trở nên phổ biến bởi sự nhanh chóng và tiện lợi. Tuy nhiên, đôi khi một số sai sót không mong muốn có thể xảy ra, như chuyển nhầm tiền vào tài khoản người khác hoặc nhận tiền vào tài khoản do chuyển nhầm. Một câu hỏi quan trọng đặt ra là liệu việc này có thể dẫn đến việc phong tỏa tài khoản thanh toán tại ngân hàng hay không?
Phong tỏa tài khoản thanh toán là gì?
Phong tỏa tài khoản thanh toán có thể được hiểu là biện pháp ngăn chặn tạm thời các giao dịch trên một tài khoản ngân hàng, nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan hoặc để thực thi các quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Khi tài khoản bị phong tỏa, chủ tài khoản không thể thực hiện các giao dịch như rút tiền, chuyển khoản, hoặc thanh toán từ tài khoản đó.
Tài khoản thanh toán có thể bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số dư trên tài khoản, tùy thuộc từng trường hợp cụ thể.
Chuyển nhầm tiền có thể bị phong tỏa tài khoản thanh toán đúng không?
Căn cứ quy định của pháp luật hiện hành, việc chuyển nhầm tiền trong một số trường hợp có thể khiến tài khoản thanh toán bị phong tỏa.
Trích dẫn điểm c khoản 1 Điều 11 Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt quy định về phong tỏa tài khoản thanh toán:
“1. Tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số dư trên tài khoản thanh toán trong các trường hợp sau:
…
c) Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót khi ghi Có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc thực hiện theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền sau khi ghi Có vào tài khoản thanh toán của khách hàng. Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không được vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót;”
Như vậy, biện pháp phong tỏa tài khoản thanh toán có thể được áp dụng trong trường hợp chuyển nhầm tiền do nhầm lẫn, sai sót phát sinh từ phía tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán so với lệnh thanh toán của khách hàng.
Trường hợp này, tài khoản thanh toán có thể chỉ bị phong tỏa một phần. Cụ thể, số tiền bị phong tỏa không vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót.
Khi nào thì chấm dứt phong tỏa tài khoản thanh toán?
Với vai trò là một biện pháp ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, việc phong tỏa tài khoản thanh toán trong trường hợp chuyển nhầm tiền như đề cập trên sẽ được ngừng áp dụng tại thời điểm sai sót đã được xử lý.
>> TÀI KHOẢN VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP (DICA), LƯU Ý QUAN TRỌNG https://linconlaw.vn/tai-khoan-von-dau-tu-truc-tiep-dica-luu-y-quan-trong/
>> SỬ DỤNG HÓA ĐƠN, CHỨNG TỪ KHÔNG HỢP PHÁP, MỨC PHẠT? https://linconlaw.vn/muc-phat-su-dung-hoa-don-chung-tu-khong-hop-phap/
Căn cứ pháp lý:
- Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt.
𝐋𝐈𝐍𝐂𝐎𝐍 𝐋𝐀𝐖 𝐅𝐈𝐑𝐌 – 𝐇𝐨̛̣𝐩 𝐭𝐚́𝐜 𝐯𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐛𝐞̂̀𝐧
- Tại Hà Nội: Tầng 4, Tòa nhà Sudico, đường Mễ Trì, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
- Tại TP.HCM: 272 Đỗ Pháp Thuận, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
- Website: http://linconlaw.vn/
- Email: Lawyer@linconlaw.vn
- Facebook: https://www.facebook.com/Linconlawfirmm
- Linkedln: linkedin.com/in/lincon-law-firm-100b96201
- Hotline: +84.987.733.358