BÁN MỸ PHẨM ONLINE, HÀNG XÁCH TAY CÓ CẦN XIN PHÉP?

BÁN MỸ PHẨM ONLINE, HÀNG XÁCH TAY CÓ CẦN XIN PHÉP?
Bán mỹ phẩm online, hàng xách tay có cần xin phép?

Trước đây bán hàng xách tay, mỹ phẩm online được coi là nghề phụ để kiếm thêm thu nhập, nhưng với những tiện ích mà việc kinh doanh này đem lại như không mất chi phí thuê mặt bằng, quảng cáo, đóng thuế, đã đem lại lợi nhuận lớn cho người bán. Hình thức kinh doanh này dần trở nên phổ biến, thậm chí trở thành nghề chính của nhiều người. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm rõ các quy định về bán hàng trên mạng xã hội với các chế tài xử phạt khi vi phạm. 

1. Kinh doanh hàng hóa qua hình thức thương mại điện tử

Đối với những người bán hàng online trên các phương tiện thương mại điện tử thì không phải đăng ký kinh doanh, cụ thể tại Điều 13 Thông tư 47/2014/TT-BTC quy định thương nhân thành lập website thương mại điện tử mà trên đó cung cấp ít nhất một trong các dịch vụ: Sàn giao dịch thương mại điện tử; khuyến mại trực tuyến; đấu giá trực tuyến phải đăng ký với Bộ Công Thương.

Đồng thời, khoản 1 Điều 3 Nghị định 39 năm 2007 của Chính phủ nêu rõ cá nhân buôn bán những vật dụng nhỏ lẻ, quà bánh, đồ ăn, nước uống có hoặc không có địa điểm cố định hay các hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên khác không phải đăng ký kinh doanh.

Như vậy, chỉ những người thành lập các website thương mại điện tử mới phải đăng ký, còn những người bán hàng online đơn thuần trên các website hoặc trên ứng dụng di động như Facebook, shopee, instagram… sẽ không phải thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh, tuy nhiên vẫn phải tuân thủ những quy định tại Điều 37 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP:

– Cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin quy định tại Điều 29 Nghị định này cho thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử khi đăng ký sử dụng dịch vụ.

– Cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ theo quy định từ Điều 30 đến Điều 34 Nghị định này khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

– Đảm bảo tính chính xác, trung thực của thông tin về hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

– Thực hiện các quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định này khi ứng dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

– Cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê thương mại điện tử.

– Tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

– Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.

Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành, bán hàng hóa đơn lẻ trên mạng xã hội (online) không cần xin giấy phép đăng ký kinh doanh.

2. Bán mỹ phẩm, hàng hóa xách tay online 

Theo quy định của pháp luật thì khi kinh doanh các mặt hàng xách tay phải đảm bảo hàng hóa, mỹ phẩm đáp ứng các điều kiện sau:

– Hàng hóa đó đã được thông qua hải quan theo thủ tục đối với hành lí của người xuất, nhập cảnh, được quy định tại Điều 59 Nghị định 08/2015/NĐ-CP sửa đổi tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP;

– Đảm bảo đúng số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;

– Hàng hóa không trong danh mục những mặt hàng cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật;

– Hàng hóa có hóa đơn, chứng từ kèm theo và đúng quy định của pháp luật về quản lí hóa đơn.

Ví dụ như trường hợp hàng hóa mỹ phẩm nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn sẽ bị coi là hàng hóa nhập lậu. Bên cạnh đó, hàng hóa là mỹ phẩm khi nhập khẩu để có thể công bố phải có giấy chứng nhận lưu hành tự do cho sản phẩm tại quốc gia sản xuất và giấy ủy quyền của nhà sản xuất cho đơn vị phân phối tại Việt Nam thay mặt họ công bố.

Vì vậy, người bán hàng xách tay là mỹ phẩm trên mạng xã hội tuy không phải xin giấy phép đăng ký kinh doanh nhưng phải đảm bảo các yêu cầu về giấy phép liên quan đến hàng hóa nhập khẩu và buôn bán mỹ phẩm, cùng các yêu cầu khác về kinh doanh của pháp luật. Nếu như không có đầy đủ giấy tờ thì người bán hàng có thể đối mặt với các quy định xử phạt của pháp luật về buôn bán hàng hóa nhập khẩu hoặc vi phạm về công bố mỹ phẩm, hoặc thậm chí nặng hơn là các quy định về tội trốn thuế.

3. Xử phạt hàng hóa, mỹ phẩm online nhập lậu 

Nghị định 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực kể từ tháng 10/2020 đã đưa ra các quy định về xử phạt đối với hành vi buôn bán hàng nhậu lậu đối với tổ chức, cá nhân như sau:

– Đối với cá nhân vi phạm: Phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 50 triệu đồng tùy vào giá trị hàng hóa nhập lậu theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 98/2020 (hiện hành phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền hoặc phạt tiền từ 200 ngàn đồng đến 50 triệu đồng tùy vào giá trị hàng hóa nhập lậu).

– Đối với tổ chức vi phạm: Phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 100 triệu đồng tùy vào giá trị hàng hóa nhập lậu theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 98/2020 (hiện hành phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền hoặc phạt tiền từ 400 ngàn đồng đến 100 triệu đồng tùy vào giá trị hàng hóa nhập lậu).

Trường hợp, tổ chức, cá nhân vi phạm thuộc một trong các trường hợp được quy định tại theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định 98/2020 thì bị phạt tiền gấp hai lần mức nêu trên (tương đương mức phạt tối đa có thể lên đến 100 triệu đồng đối với cá nhân hoặc 200 triệu đồng đối với tổ chức)

Do đó, trường hợp buôn bán hàng hóa, mỹ phẩm xách tay không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định, không làm thủ tục hải quan,… thuộc trường hợp được xác định là hàng hóa nhập lậu theo quy định kể trên, thì cá nhân đó sẽ bị phạt tiền tối đa đến 100 triệu đồng với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu.

Căn cứ pháp lý:  

  • Nghị định số 39/2007/NĐ-CP về hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh ngày 16/03/2007;
  • Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử ngày 16/05/2013;
  • Thông tư 47/2014/TT-BTC quy định quản lý website thương mại điện tử ngày 05/12/2014;
  • Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biên pháp thi hành luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan ngày 21/01/2015;
  • Nghị định 59/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của chính phủ quy định chi tiết và biên pháp thi hành luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan ngày 20/04/2018;
  • Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

𝐋𝐈𝐍𝐂𝐎𝐍 𝐋𝐀𝐖 𝐅𝐈𝐑𝐌 – Hợp tác vững bền

  • Tại Hà Nội: Tầng 5, Golden Tower, 275 đường Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội
  • Tại TP.HCM: 272 Đỗ Pháp Thuận, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
  • Website: http://linconlaw.vn/
  •  Email: Lawyer@linconlaw.vn
  •  Linkedln: linkedin.com/in/lincon-law-firm-100b96201
  •  Hotline: +84.987.733.358
Bình Luận

Bình Luận

Chưa có bình luận nào.

Để lại bình luận

Địa chỉ email sẽ được ẩn *