CĂN CỨ THU HỒI NỢ HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG

CĂN CỨ THU HỒI NỢ HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG

Tranh chấp giữa chủ đầu tư và các nhà thầu về thanh toán hợp đồng xây dựng là loại tranh chấp phổ biến và ngày càng gia tăng. Để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cũng như phòng ngừa rủi ro, các bên nên biết một số nội dung có thể làm căn cứ thu hồi nợ hợp đồng xây dựng như được trình bày trong bài viết dưới đây.

1. Dự toán xây dựng trong thu hồi nợ hợp đồng xây dựng

Dự toán xây dựng là chi phí cần thiết để xây dựng công trình, thực hiện gói thầu, công việc xây dựng được xác định trên cơ sở khối lượng tính toán từ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, yêu cầu công việc phải thực hiện, định mức, giá xây dựng. Nội dung dự toán xây dựng gồm chi phí về xây dựng, thiết bị, quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác và dự phòng.

Mặt khác, trên thực tế, đối với các dự án lớn, đặc biệt là các dự án có yếu tố nước ngoài, BOQ (Bill of Quantities) thường được sử dụng và có vai trò như dự toán xây dựng. BOQ là bảng chi tiết các đầu việc, khối lượng, chủng loại vật liệu và là một tài liệu được sử dụng để đấu thầu trong ngành xây dựng công nghiệp. BOQ được các kỹ sư dự toán lập dựa trên bản vẽ thi công và yêu cầu kỹ thuật của dự án.

Dự toán xây dựng hay BOQ muốn được sử dụng thì phải được phê duyệt, thẩm định theo quy định của pháp luật xây dựng. Khi tranh chấp về khoản tiền thi công, nguyên vật liệu hay các chi phí khác liên quan đến hợp đồng xây dựng giữa chủ đầu tư và nhà thầu xảy ra, dự toán xây dựng hay BOQ chính là một trong các chứng cứ quan trọng nhất để xác định nghĩa vụ tài chính của các bên khi thu hồi nợ hợp đồng xây dựng.

2. Đơn giá xây dựng trong thu hồi nợ hợp đồng xây dựng

Đơn giá xây dựng công trình được xác định trên cơ sở giá thị trường hoặc định mức xây dựng và giá vật liệu, nhân công, máy thi công, các yếu tố chi phí cần thiết khác phù hợp với mặt bằng giá thị trường tại khu vực xây dựng.

Hệ thống định mức, giá xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là cơ sở để chủ đầu tư sử dụng, tham khảo trong xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Để xác định đúng mức giá của nguyên vật liệu, thiết bị xây dựng, nhân công,… để làm rõ nghĩa vụ tài chính của các bên, chủ đầu tư hay nhà thầu cần phải đặc biệt lưu ý đơn giá đã được tính toán phù hợp với hệ thống định mức và giá xây dựng do cơ quan nàh nước có thẩm quyền công bố hay chưa.

Việc thanh toán hợp đồng xây dựng phải phù hợp với loại hợp đồng, giá hợp đồng và các điều kiện trong hợp đồng.

3. Điều khoản thanh toán 

Các bên cũng cần đặc biệt lưu ý đến điều khoản thanh toán trong hợp đồng xây dựng về phương thức thanh toán, thời gian thanh toán, hồ sơ thanh toán, điều kiện thanh toán cũng như quy định về thanh toán hợp đồng xây dựng theo pháp luật Việt Nam. Việc thanh toán hợp đồng xây dựng phải phù hợp với loại hợp đồng, giá hợp đồng và các điều kiện trong hợp đồng mà các bên đã ký kết và pháp luật xây dựng, cụ thể:

– Đối với hợp đồng trọn gói, việc thanh toán được thực hiện theo tỷ lệ phần trăm giá hợp đồng hoặc giá công trình, hạng mục công trình, khối lượng công việc tương ứng với giai đoạn thanh toán được các bên thỏa thuận trong hợp đồng.

– Đối với hợp đồng theo đơn giá cố định, đơn giá điều chỉnh, việc thanh toán trên cơ sở khối lượng thực tế hoàn thành được nghiệm thu và đơn giá hợp đồng hoặc đơn giá điều chỉnh theo thỏa thuận hợp đồng.

– Đối với hợp đồng theo thời gian, việc thanh toán chi phí chuyên gia tư vấn được xác định trên cơ sở mức tiền lương chuyên gia và các chi phí liên quan đến hoạt động của chuyên gia tư vấn nhân với thời gian làm việc thực tế được nghiệm thu (theo tháng, tuần, ngày, giờ).

– Đối với hợp đồng theo chi phí, cộng phí việc thanh toán được thực hiện trên cơ sở chi phí trực tiếp thực hiện công việc của hợp đồng và các chi phí quản lý, lợi nhuận của bên nhận thầu theo thỏa thuận.

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật Dân sự 2015;
  • Luật Xây dựng 2014. 

𝐋𝐈𝐍𝐂𝐎𝐍 𝐋𝐀𝐖 𝐅𝐈𝐑𝐌 – 𝐇𝐨̛̣𝐩 𝐭𝐚́𝐜 𝐯𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐛𝐞̂̀𝐧

Bình Luận

Bình Luận

Chưa có bình luận nào.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *