HỒ SƠ ĐĂNG KÝ BẢN QUYỀN KHUNG CHƯƠNG TRÌNH WEBSITE

HỒ SƠ ĐĂNG KÝ BẢN QUYỀN KHUNG CHƯƠNG TRÌNH WEBSITE

Việc đăng ký bảo hộ đối với tài sản sở hữu trí tuệ giúp xác lập rõ ràng và chứng minh quyền sở hữu thông qua văn bản chứng nhận cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Liên quan đến hồ sơ đăng ký bản quyền khung chương trình website, những vấn đề nào cần lưu ý?

Đối tượng thực hiện đăng ký bản quyền khung chương trình website

Khung chương trình website có thể được đăng ký dưới hình thức chương trình máy tính, bảo hộ thuộc nhóm quyền tác giả theo quy định của pháp luật Sở hữu trí tuệ.

Thủ tục đăng ký quyền tác giả đối với khung chương trình website do tác giả, chủ sở hữu hoặc người được tác giả, chủ sở hữu ủy quyền thực hiện.

Phương thức nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả đối với khung chương trình website

Hồ sơ đăng ký có hể được nộp theo cách thức trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc qua Cổng dịch vụ công trực tuyến.

Thời hạn xử lý hồ sơ đăng ký bản quyền khung chương trình website

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đối với khung chương trình website.

Thành phần hồ sơ đăng ký bản quyền khung chương trình website

Thành phần hồ sơ thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đối với khung chương trình website bao gồm:

– Tờ khai đăng ký quyền tác giả;

– 02 bản sao tác phẩm (bao gồm cả bản điện tử);

– Văn bản ủy quyền nếu người nộp hồ sơ là người được tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ủy quyền;

– Tài liệu chứng minh là chủ sở hữu quyền;

– Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;

– Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung;

– Trường hợp trong tác phẩm có sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người đó theo quy định của pháp luật.

Đăng ký bảo hộ khung chương trình website giúp xác lập rõ ràng và chứng minh quyền sở hữu thông qua văn bản chứng nhận cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. (Ảnh: Internet)

Lưu ý về tờ khai đăng ký quyền tác giả trong hồ sơ đăng ký bản quyền khung chương trình website

Tờ khai đăng ký quyền tác giả thực hiện theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định. Trong đó:

– Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt có đầy đủ thông tin về người nộp hồ sơ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả;

– Thời gian hoàn thành;

– Tóm tắt nội dung tác phẩm;

– Thời gian, địa điểm, hình thức công bố;

– Cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong tờ khai.

Tờ khai do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ký tên hoặc điểm chỉ, trừ trường hợp không có khả năng về thể chất để ký tên hoặc điểm chỉ.

Yêu cầu đối với tác phẩm khung chương trình website trong hồ sơ đăng ký quyền tác giả

Bản sao chương trình máy tính bao gồm đĩa CD có chứa chương trình máy tính đó (1 mặt đĩa CD dán giấy trắng ghi tên chương trình máy tính) và bản in trên khổ giấy A4 chứa toàn bộ giao diện và mã code của chương trình máy tính đó.

Trường hợp bản in phần mã code chương trình máy tính nêu trên có từ 100 trang trở lên thì in 25 trang đầu, 25 trang giữa và 25 trang cuối của phần mã code.

Căn cứ pháp lý:

  • Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung bởi Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009; Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2019 và Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022);
  • Nghị định 17/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan;
  • Luật Công nghệ thông tin 2006.

𝐋𝐈𝐍𝐂𝐎𝐍 𝐋𝐀𝐖 𝐅𝐈𝐑𝐌 – 𝐇𝐨̛̣𝐩 𝐭𝐚́𝐜 𝐯𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐛𝐞̂̀𝐧

Bình Luận

Bình Luận

Chưa có bình luận nào.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *