THỎA THUẬN TRỌNG TÀI VÔ HIỆU KHI NÀO?

THỎA THUẬN TRỌNG TÀI VÔ HIỆU KHI NÀO?

Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được lựa chọn phổ biến bởi doanh nghiệp, với ưu điểm về tính nhanh gọn trong thủ tục, độc lập với hợp đồng và hiệu lực chung thẩm của phán quyết. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các bên không thể giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài do thỏa thuận Trọng tài vô hiệu.

Các bên có quyền thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài

Các bên tranh chấp có quyền thỏa thuận đưa tranh chấp ra giải quyết tại Trọng tài. Trọng tài sẽ giải quyết phần tranh chấp căn cứ thỏa thuận của các bên và trên cơ sở thuộc phạm vi thẩm quyền của mình phù hợp với quy định pháp luật.

Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý. Thoả thuận trọng tài vô hiệu là một trong những căn cứ để Toà án từ chối thụ lý giải quyết tranh chấp khi đã có thoả thuận Trọng tài.

Xác định thỏa thuận trọng tài vô hiệu

Thoả thuận trọng tài vô hiệu là thỏa thuận trọng tài thuộc một trong các trường hợp:

Thỏa thuận Trọng tài vô hiệu do tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài

Tranh chấp sẽ không thể đưa ra Trọng tài để giải quyết nếu thỏa thuận Trọng tài được xác lập để giải quyết tranh chấp không thuộc lĩnh vực sau:

– Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại;

– Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại;

– Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.

Thỏa thuận Trọng tài vô hiệu do người xác lập thoả thuận Trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật

Người được coi là có thẩm quyền thỏa thuận Trọng tài nếu không thuộc các trường hợp sau:

– Người xác lập thỏa thuận trọng tài không phải là người đại diện theo pháp luật;

– Người xác lập thỏa thuận trọng tài không phải là người được ủy quyền hợp pháp;

– Người xác lập thỏa thuận trọng tài là người được ủy quyền hợp pháp nhưng vượt quá phạm vi được ủy quyền.

Tuy nhiên, nếu thỏa thuận Trọng tài do người không có thẩm quyền xác lập nhưng trong quá trình xác lập, thực hiện thỏa thuận Trọng tài hoặc trong tố tụng Trọng tài mà người có thẩm quyền xác lập thỏa thuận Trọng tài đã chấp nhận hoặc đã biết mà không phản đối, thì thỏa thuận Trọng tài không vô hiệu.

Thỏa thuận Trọng tài vô hiệu do người xác lập thỏa thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự

Người được xác định là không có năng lực hành vi dân sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Trong trường hợp này, căn cứ chứng minh gồm giấy tờ tài liệu chứng minh ngày tháng năm sinh hoặc kết luận của cơ quan có thẩm quyền hoặc quyết định của Tòa án xác định, tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Thỏa thuận Trọng tài vô hiệu do hình thức của thoả thuận Trọng tài không hợp lệ

Cụ thể, thỏa thuận trọng tài không được xác lập dưới hình thức văn bản theo quy định:

– Điều khoản Trọng tài trong hợp đồng;

– Thỏa thuận Trọng tài riêng;

– Thoả thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;

– Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên;

– Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên;

– Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận Trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác;

– Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thoả thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận.

Thoả thuận trọng tài vô hiệu là một trong những căn cứ để Toà án từ chối thụ lý giải quyết tranh chấp
khi đã có thoả thuận Trọng tài.

Thỏa thuận Trọng tài vô hiệu do một trong các bên bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận Trọng tài

Trong đó:

– Lừa dối là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của thỏa thuận dẫn đến xác lập thỏa thuận.

– Đe dọa là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện thỏa thuận nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của cha, mẹ, vợ, chồng, con của mình.

Thỏa thuận Trọng tài vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật

Trong đó:

– Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.

– Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.

Căn cứ pháp lý:

  • Luật Trọng tài thương mại 2010;
  • Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành Quy định Luật Trọng tài thương mại do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành.

𝐋𝐈𝐍𝐂𝐎𝐍 𝐋𝐀𝐖 𝐅𝐈𝐑𝐌 – 𝐇𝐨̛̣𝐩 𝐭𝐚́𝐜 𝐯𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐛𝐞̂̀𝐧

Bình Luận

Bình Luận

Chưa có bình luận nào.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *