Khi phát sinh tranh chấp dân sự, phương thức giải quyết phổ biến nhất chính là mang tranh chấp ra giải quyết tại Tòa án. Và theo quy định, khi vụ việc được thụ lý, các bên sẽ trải qua phiên tòa dân sự sơ thẩm. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra thủ tục cơ bản trong một phiên tòa dân sự sơ thẩm và luật sư có các quyền và nghĩa vụ gì trong phiên tòa này.
Thủ tục trong phiên tòa dân sự sơ thẩm
Khởi kiện và thụ lý vụ án
Khi có tranh chấp phát sinh, tổ chức hoặc cá nhân có thể tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện. Tổ chức, cá nhân cần gửi đơn khởi kiện với nội dung và hình thức theo quy định đến Tòa án có thẩm quyền. Bên cạnh đơn khởi kiện, tổ chức, cá nhân cũng cần gửi kèm các tài liệu, chứng cứ liên quan.
Sau khi Tòa án nhận được đơn khởi kiện, tài liệu và các chứng cứ, Tòa án sẽ xem xét và xác định thẩm quyền giải quyết. Nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, Thẩm phán sẽ thông báo cho nguyên đơn, bị đơn, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc giải quyết vụ án.
Thủ tục hòa giải và chuẩn bị xét xử
Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Trường hợp vụ án dân sự không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được, Thẩm phán tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ mà không tiến hành hòa giải. Nếu Thẩm phán quyết định đưa vụ án ra xét xử thì quyết định phải được gửi cho đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định.
Phiên tòa sơ thẩm
Phiên tòa sẽ được bắt đầu bằng thủ tục khai mạc. Sau đó, các nhiệm vụ khác sẽ được tiến hành như:
– Giải quyết yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch;
– Xem xét, quyết định hoãn phiên tòa khi có người vắng mặt;
– Hỏi đương sự về việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu;
– Xem xét việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu;
– Thay đổi địa vị tố tụng;
– Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Sau các thủ tục trên, các bên sẽ tiến hành tranh tụng tại Phiên tòa sơ thẩm. Sau khi các bên trình bày ý kiến, Hội đồng xét xử sẽ công bố tài liệu, chứng cứ của vụ án. Việc nghe băng ghi âm, đĩa ghi âm, xem băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh sẽ được tiến hành nếu có yêu cầu của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người tham gia tố tụng khác.
Khi nhận thấy các tình tiết của vụ án đã được xem xét đầy đủ thì chủ tọa phiên tòa hỏi Kiểm sát viên, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và những người tham gia tố tụng khác xem họ có yêu cầu hỏi vấn đề gì nữa không; trường hợp có người yêu cầu và xét thấy yêu cầu đó là có căn cứ thì chủ tọa phiên tòa quyết định tiếp tục việc hỏi.
Qua tranh luận, nếu xét thấy có tình tiết của vụ án chưa được xem xét, việc xem xét chưa được đầy đủ hoặc cần xem xét thêm chứng cứ thì Hội đồng xét xử quyết định trở lại việc hỏi và tranh luận.
Sau khi kết thúc phần tranh luận, Hội đồng xét xử vào phòng nghị án để nghị án. Qua nghị án, nếu xét thấy có tình tiết của vụ án chưa được xem xét, việc hỏi chưa đầy đủ hoặc cần xem xét thêm chứng cứ thì Hội đồng xét xử quyết định trở lại việc hỏi và tranh luận.
Tòa án ra bản án và Hội đồng xét xử tuyên đọc bản án. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc phiên tòa, các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện được Tòa án cấp trích lục bản án.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tuyên án, Tòa án phải giao hoặc gửi bản án cho các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp.
Quyền và nghĩa vụ của luật sư trong phiên tòa dân sự sơ thẩm
Luật sư là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong một phiên tòa dân sự sơ thẩm. Trong phiên tòa, luật sư có các quyền và cũng đồng thời là các nghĩa vụ nhất định.
Thứ nhất, tham gia tố tụng từ khi khởi kiện hoặc bất cứ giai đoạn nào trong quá trình tố tụng dân sự.
Bởi luật sư là người đứng ra bảo vệ các quyền và lợi ích cho các bên đương sự, do đó đây là quyền cũng là nghĩa vụ cơ bản của mỗi luật sư. Các luật sư cần sát cánh bên thân chủ của mình trong mỗi phiên tòa để có thể đứng ra bào chữa cho họ. Ngoài ra việc tham gia tố tụng trong các giai đoạn sẽ khiến luật sư nắm rõ vụ việc, bảo vệ tốt nhất có thể các lợi ích của thân chủ.
Thứ hai, thu thập và cung cấp tài liệu, chứng cứ; nghiên cứu hồ sơ vụ án và được ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết và hợp pháp để thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Do luật sư là người tìm hiểu, nghiên cứu pháp luật cũng như các tình tiết vụ việc nên luật sư sẽ biết nên cần có những chứng cứ nào để phục vụ cho vụ án. Cũng chính do công việc tìm hiểu vụ án là của luật sư nên luật sư cũng cần biết mình nên lưu lại những thông tin gì. Từ đó có thể bảo vệ tốt nhất cho đương sự.
Thứ ba, tham gia việc hòa giải, phiên họp, phiên tòa dân sự sơ thẩm.
Nếu không tham gia thì được gửi văn bản bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cho Tòa án xem xét.
Thứ tư, thay mặt đương sự yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác.
Thứ năm, giúp đương sự về mặt pháp lý liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Đây có lẽ là nhiệm vụ cơ bản và quan trọng nhất của luật sư. Luật sư cần dựa vào hiểu biết luật pháp và vụ việc để đưa ra những lý lẽ thuyết phục nhất trước phiên tòa. Ngoài ra, việc đưa ra những lý lẽ thuyết phục cũng sẽ chứng minh được năng lực của luật sư đó.
>> LỰA CHỌN TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI, ƯU NHƯỢC ĐIỂM THẾ NÀO? https://linconlaw.vn/lua-chon-trong-tai-thuong-mai-uu-nhuoc-diem-the-nao/
>> NGHĨA VỤ CỦA CHỦ SỞ HỮU BẤT ĐỘNG SẢN LIỀN KỀ https://linconlaw.vn/nghia-vu-cua-chu-so-huu-bat-dong-san-lien-ke/
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
𝐋𝐈𝐍𝐂𝐎𝐍 𝐋𝐀𝐖 𝐅𝐈𝐑𝐌 – 𝐇𝐨̛̣𝐩 𝐭𝐚́𝐜 𝐯𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐛𝐞̂̀𝐧
- Tại Hà Nội: Tầng 4, Tòa nhà Sudico, đường Mễ Trì, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
- Tại TP.HCM: 272 Đỗ Pháp Thuận, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
- Website: http://linconlaw.vn/
- Email: Lawyer@linconlaw.vn
- Facebook: https://www.facebook.com/Linconlawfirmm
- Linkedln: linkedin.com/in/lincon-law-firm-100b96201
- Hotline: +84.987.733.358