Lãi chậm trả và phạt vi phạm là hai biện pháp khắc phục phổ biến được áp dụng trong hợp đồng thương mại nói riêng và hợp đồng dân sự nói chung khi có hành vi vi phạm nghĩa vụ Hợp đồng.
Riêng đối với hành vi chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo Hợp đồng, lãi chậm trả thường là biện pháp khắc phục chủ yếu, được áp dụng kèm theo phạt vi phạm (nếu các bên có thỏa thuận). Khác với phạt vi phạm, lãi chậm trả về cơ bản là một biện pháp khắc phục theo quy định của pháp luật, không phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các bên. Điều này có nghĩa là cho dù không được quy định trong hợp đồng, bên bị vi phạm luôn có quyền yêu cầu thanh toán lãi chậm trả theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nếu xét về bản chất, lãi chậm trả có tính chất tương đồng với phạt vi phạm, đều là biện pháp khắc phục có thể tạo gánh nặng tài chính lớn với bên vi phạm.
Cả Bộ luật dân sự 2015 và Luật Thương mại 2005 đều không quy định quan hệ giữa lãi chậm trả với phạt vi phạm. Theo án lệ số 09/2016/AL, trong trường hợp Tòa án hoặc Trọng tài chấp nhận yêu cầu thanh toán khoản phạt vi phạm của bên bị vi phạm, lãi chậm trả không được áp dụng đối với vi phạm chậm thanh toán khoản phạt vi phạm. Mặc dù không áp dụng lãi chậm trả, lãi áp dụng cho việc thi hành án vẫn sẽ được áp dụng. Ngoài hạn chế nêu trên, có lẽ Bộ luật dân sự 2015 và Luật Thương mại 2005 công nhận thỏa thuận của các bên về việc áp dụng đồng thời hai biện pháp khắc phục này nếu các bên có thỏa thuận. Nói cách khác, sau khi áp dụng lãi chậm trả đối với vi phạm nghĩa vụ thanh toán, bên bị vi phạm về lý thuyết vẫn có thể yêu cầu áp dụng phạt vi phạm (nếu có thỏa thuận).
Có ý kiến cho rằng, chỉ nên áp dụng một biện pháp: hoặc lãi chậm trả hoặc phạt vi phạm trong trường hợp có vi phạm nghĩa vụ chậm thanh toán. Quan điểm này có thể phù hợp khi nhìn từ khía cạnh bản chất tương đồng của hai biện pháp này và dựa trên nguyên tắc cùng một vi phạm không bị phạt hai lần.
Xem xét các quy định liên quan đến hợp đồng vay, Điều 12 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP quy định:
“1. Hợp đồng vay tài sản có thỏa thuận xử lý đối với hành vi không trả nợ đúng hạn của bên vay thì Tòa án xem xét, quyết định theo nguyên tắc chỉ xử lý một lần đối với mỗi hành vi không trả nợ đúng hạn”.
Hợp đồng vay tài sản vừa có thỏa thuận phạt vi phạm, vừa có thỏa thuận lãi trên nợ gốc quá hạn hoặc hình thức khác áp dụng đối với hành vi không trả nợ đúng hạn của bên vay thì Tòa án căn cứ quy định tương ứng của Bộ luật Dân sự, Luật Các tổ chức tín dụng và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Bộ luật Dân sự, Luật Các tổ chức tín dụng tại thời điểm xác lập hợp đồng, thời điểm tính lãi suất để xem xét, quyết định xử lý đối với hành vi không trả nợ đúng hạn theo nguyên tắc hướng dẫn tại khoản 1 Điều này.
Điều 12 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP không nói rõ về việc có được phép áp dụng đồng thời lãi chậm trả và phạt vi phạm trên cùng một hành vi chậm thanh toán hợp đồng vay hay không. Trong khi đó, Dự thảo lần 3 Nghị quyết HĐTP TANDTC về hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi suất, phạt vi phạm dường như thể hiện quan điểm rõ hơn trong cách giải quyết vấn đề này:
“3. Khi giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng có thỏa thuận về phạt vi phạm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc, nợ lãi mà đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu thanh toán tiền phạt vi phạm. Trường hợp vừa có thỏa thuận phạt vi phạm vừa có thỏa thuận áp dụng lãi suất quá hạn, lãi suất phạt, lãi suất chậm trả hoặc hình thức khác áp dụng đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ trả nợ gốc, nợ lãi của bên vay thì Tòa án chỉ xem xét chấp nhận yêu cầu thanh toán tiền phạt vi phạm hoặc yêu cầu thanh toán tiền lãi suất quá hạn, lãi suất phạt, lãi suất chậm trả hoặc hình thức khác tùy thuộc vào yêu cầu của bên cho vay”.
Như vậy, phương hướng giải quyết của Dự thảo là khá rõ ràng. Trên một hành vi chậm thanh toán nghĩa vụ, chỉ được phép áp dụng một trong hai biện pháp khắc phục: hoặc áp dụng lãi suất chậm trả, lãi suất quá hạn; hoặc phạt vi phạm hợp đồng. Quan điểm này có lẽ được lý giải như sau, nếu áp dụng đồng thời nhiều biện pháp khắc phục liên quan đến trách nhiệm tài chính trên cùng một hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng thì sẽ tạo ra một gánh nặng tài chính quá lớn đối với bên vi phạm Hợp đồng.
Nhìn chung, nguyên tắc chỉ xử lý một lần đối với mỗi hành vi không trả nợ đúng hạn mới áp dụng cho hợp đồng vay tài sản (được quy định trong Nghị quyết 01/2019) nên khả năng áp dụng nhiều biện pháp khắc phục vẫn có thể trong quan hệ khác (Ví dụ: hợp đồng mua bán hàng hóa). Ngoài ra, nếu thực sự ý định của nhà lập pháp là không cho phép áp dụng đồng phạt vi phạm và lãi chậm trả trên cùng một hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng thì hạn chế này cần được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật.
Do vậy, theo ý kiến của tác giả, trong trường hợp các bên có thỏa thuận việc áp dụng đồng thời lãi chậm trả và phạt vi phạm, thỏa thuận này cần được tôn trọng vì không vi phạm của luật và đạo đức xã hội, phù hợp với nguyên tắc tự do thỏa thuận đặc biệt trong trường hợp thiệt hại thực tế của bên bị vi phạm không thể bù đắp đủ thông qua lãi chậm trả và phạt vi phạm.
𝐋𝐈𝐍𝐂𝐎𝐍 𝐋𝐀𝐖 𝐅𝐈𝐑𝐌 – Hợp tác vững bền
- Tại Hà Nội: Tầng 5, Golden Tower, 275 đường Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội
- Tại TP.HCM: 272 Đỗ Pháp Thuận, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
- Website: http://linconlaw.vn/
- Email: Lawyer@linconlaw.vn
- Linkedln: linkedin.com/in/lincon-law-firm-100b96201
- Hotline: +84.987.733.358