Tỷ lệ nữ tham gia lao động tại Việt Nam chiếm khoảng 50% lực lượng lao động và có xu hướng tăng lên qua từng năm, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển chung của xã hội.
Với đặc thù về sức khỏe, sinh lý, chức năng làm mẹ của người phụ nữ, pháp luật có xây dựng một số quy định nhằm đảm quyền con người cơ bản của phụ nữ, quyền làm việc bình đẳng về so với nam giới, khuyến khích sử dụng lao động nữ để tối ưu nguồn nhân lực sẵn có.
Vậy, doanh nghiệp với vai trò người sử dụng lao động cần lưu ý gì khi sử dụng lao động nữ?
1. Đảm bảo quyền bình đẳng với lao động nam về lương, thưởng, thăng tiến
Doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện quyền bình đẳng của lao động nữ, lao động nam, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới trong tuyển dụng; sử dụng; đào tạo; chế độ lương, thưởng; điều kiện lao động, an toàn lao động; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; chế độ phúc lợi về vật chất và tinh thần.
Doanh nghiệp lưu ý về vấn đề phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
2. Tổ chức khám sức khỏe định kỳ
Lao động nữ được quyền khám chuyên khoa phụ sản hàng năm. Doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe định kỳ tối thiểu 1 lần mỗi năm, trong đó người lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục khám chuyên khoa phụ sản do Bộ Y tế ban hành.
3. Tạo điều kiện nghỉ ngơi trong thời gian hành kinh
Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, thời gian nghỉ này sẽ tính vào giờ làm việc và hưởng đủ lương theo hợp đồng lao động. Số ngày có thời gian nghỉ trong thời gian hành kinh tối thiểu là 03 ngày làm việc/tháng.
Các bên có thể thỏa thuận về số ngày nghỉ cụ thể, thời điểm nghỉ hoặc từ chối nghỉ. Cần lưu ý rằng, trường hợp lao động không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý, lao động nữ có quyền được trả thêm tiền lương tương ứng với thời gian được nghỉ mà vẫn làm việc.
4. Đảm bảo nghỉ ngơi trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi
Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ 60 phút/ngày trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Lưu ý rằng, doanh nghiệp phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc nếu sử dụng từ 1.000 người lao động nữ trở lên.
Trong thời gian nghỉ ngơi tại trường hợp này, lao động nữ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Trường hợp không có nhu cầu nghỉ, ngoài tiền lương được hưởng theo quy định, lao động nữ có quyền được trả thêm tiền lương trong thời gian được nghỉ.
5. Đảm bảo việc làm và điều kiện việc làm đối với phụ nữ mang thai và nuôi con dưới 12 tháng tuổi
Doanh nghiệp không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp:
– Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
– Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý.
Doanh nghiệp có trách nhiệm chuyển công việc nhẹ hơn khi lao động nữ mang thai và nuôi con dưới 12 tháng tuổi, đối với lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết.
Lao động nữ có quyền được chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Lao động nữ được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc sau khi nghỉ hết thời gian theo quy định mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích so với trước khi nghỉ thai sản. Nếu việc làm cũ không còn, doanh nghiệp phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.
6. Chế độ thai sản
Lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội.
Theo nhu cầu, lao động nữ quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng hoặc nghỉ thêm không hưởng lương sau khi hết thời gian nghỉ thai sản.
7. Xử lý kỷ luật với lao động nữ
Người sử dụng lao động không được xử lý kỷ luật đối với lao động nữ đang trong thời gian mang thai; nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Tuy nhiên, thời hiệu xử lý kỷ luật lao động có thể kéo dài theo quy định và việc xử lý kỷ luật sẽ áp dụng khi hết thời gian mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
8. Chấm dứt lao động với lao động nữ
Quy định pháp luật nghiêm cấm người sử dụng lao động sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Lao động nữ có quyền được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới khi hợp đồng hết hạn trong thời gian mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
Tuy nhiên, trong thời gian mang thai, lao động nữ có quyền:
– Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thời gian do các bên thỏa thuận, tuy nhiên không ngắn hơn thời gian chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (nếu có).
– Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Việc áp dụng quyền của lao động nữ phải đảm bảo lí do nếu tiếp tục làm việc mà có ảnh hưởng xấu tới thai nhi và có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh.
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Lao động 2019;
- Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015;
- Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động ban hành ngày 14/12/2020.
𝐋𝐈𝐍𝐂𝐎𝐍 𝐋𝐀𝐖 𝐅𝐈𝐑𝐌 – 𝐇𝐨̛̣𝐩 𝐭𝐚́𝐜 𝐯𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐛𝐞̂̀𝐧
- Tại Hà Nội: Tầng 4, Tòa nhà Sudico, đường Mễ Trì, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
- Tại TP.HCM: 272 Đỗ Pháp Thuận, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
- Website: http://linconlaw.vn/
- Email: Lawyer@linconlaw.vn
- Facebook: https://www.facebook.com/Linconlawfirmm
- Linkedln: linkedin.com/in/lincon-law-firm-100b96201
- Hotline: +84.987.733.358