Xử lý dữ liệu cá nhân là quá trình thu thập, ghi, phân tích, xác nhận, lưu trữ, chỉnh sửa, công khai, sao chép, chia sẻ, truyền đưa, cung cấp, chuyển giao,… thông tin liên quan đến cá nhân, bao gồm dữ liệu cá nhân cơ bản như tên, địa chỉ, số điện thoại…; hay dữ liệu cá nhân nhạy cảm như số căn cước, số thẻ tín dụng, hoặc dữ liệu về sức khỏe… Tổ chức có liên quan phải đảm bảo rằng dữ liệu cá nhân là đối tượng xử lý được bảo vệ một cách an toàn và đúng cách; tuân thủ chặt chẽ luật pháp, trong đó bao gồm trách nhiệm báo cáo xử lý dữ liệu cá nhân trong quá trình thực hiện.
1. Đối tượng có trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân
Đối tượng yêu cầu tuân thủ quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân bao gồm các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân tại Việt Nam. Cụ thể:
– Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân: tổ chức, cá nhân quyết định mục đích và phương tiện xử lý dữ liệu cá nhân.
– Bên Xử lý dữ liệu cá nhân: tổ chức, cá nhân thực hiện việc xử lý dữ liệu thay mặt cho Bên Kiểm soát dữ liệu, thông qua một hợp đồng hoặc thỏa thuận với Bên Kiểm soát dữ liệu.
– Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân: tổ chức, cá nhân đồng thời quyết định mục đích, phương tiện và trực tiếp xử lý dữ liệu cá nhân.
– Bên thứ ba: tổ chức, cá nhân ngoài Chủ thể dữ liệu, Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Xử lý dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân được phép xử lý dữ liệu cá nhân.
2. Đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân
a. Thực hiện đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân:
Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân lập và lưu giữ Hồ sơ đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân của mình. Thời điểm thực hiện: kể từ thời điểm bắt đầu xử lý dữ liệu cá nhân.
Bên Xử lý dữ liệu cá nhân tiến hành lập và lưu giữ Hồ sơ đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân trong trường hợp thực hiện hợp đồng với Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân.
b. Trách nhiệm báo cáo:
Hồ sơ đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân được xác lập bằng văn bản có giá trị pháp lý theo quy định và phải luôn có sẵn để phục vụ hoạt động kiểm tra, đánh giá của Bộ Công an và gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo mẫu quy định. Thời hạn thực hiện: trong thời gian 60 ngày kể từ ngày tiến hành xử lý dữ liệu cá nhân.
3. Chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài
a. Thực hiện chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài:
Dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam được chuyển ra nước ngoài trong trường hợp Bên chuyển dữ liệu ra nước ngoài lập Hồ sơ đánh giá tác động chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài và tuân thủ các thủ tục theo quy định bởi Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, Bên Xử lý dữ liệu cá nhân, Bên thứ ba.
b. Yêu cầu về hồ sơ đánh giá tác động chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài:
Hồ sơ đánh giá tác động chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài phải theo biểu mẫu quy định và luôn có sẵn để phục vụ hoạt động kiểm tra, đánh giá của Bộ Công an.
Bên chuyển dữ liệu ra nước ngoài gửi hồ sơ tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo biểu mẫu quy định trong vòng 60 ngày kể từ ngày tiến hành xử lý dữ liệu cá nhân.
c. Trách nhiệm báo cáo:
Bên chuyển dữ liệu thông báo gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông tin về việc chuyển dữ liệu và chi tiết liên lạc của tổ chức, cá nhân phụ trách bằng văn bản sau khi việc chuyển dữ liệu diễn ra thành công.
Bên chuyển dữ liệu ra nước ngoài cần cập nhật, bổ sung Hồ sơ đánh giá tác động chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài khi có sự thay đổi về nội dung hồ sơ đã gửi. Thời gian hoàn thiện hồ sơ là 10 ngày kể từ ngày yêu cầu.
d. Kiểm tra việc chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài:
Căn cứ tình hình cụ thể, Bộ Công an quyết định việc kiểm tra chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài:
– 01 lần/năm; hoặc
– Khi phát hiện hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; hoặc để xảy ra sự cố lộ, mất dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam.
>> NHẬN TIỀN LÃI VAY CÓ PHẢI NỘP THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN KHÔNG? https://linconlaw.vn/nhan-tien-lai-vay-co-phai-nop-thue-thu-nhap-ca-nhan-khong/?fbclid=IwAR3M5vvKhGWBb8CeDtaRpuMndBHP3S9Knbtu-Vl5C3xlol_6Kld8zH66kzg
>> VI PHẠM CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM, MỘT SỐ LỖI PHỔ BIẾN https://linconlaw.vn/vi-pham-cua-nguoi-lao-dong-nuoc-ngoai-tai-viet-nam-mot-so-loi-pho-bien/
4. Thông báo vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân
a. Trách nhiệm thông báo:
– Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm nhất 72 giờ sau khi xảy ra hành vi vi phạm. Nếu thông báo sau 72 giờ thì phải kèm theo lý do thông báo chậm, muộn.
– Bên Xử lý dữ liệu cá nhân phải thông báo cho Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân một cách nhanh nhất có thể sau khi nhận thấy có sự vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
– Việc thông báo có thể được thực hiện theo từng đợt, từng giai đoạn.
b. Các trường hợp thông báo:
– Phát hiện hành vi vi phạm pháp luật đối với dữ liệu cá nhân;
– Dữ liệu cá nhân bị xử lý sai mục đích, không đúng thỏa thuận ban đầu với chủ thể dữ liệu hoặc vi phạm quy định của pháp luật;
– Không bảo đảm quyền của chủ thể dữ liệu hoặc không được thực hiện đúng;
– Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Căn cứ pháp lý:
- Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân ban hành ngày 17/04/2023.
𝐋𝐈𝐍𝐂𝐎𝐍 𝐋𝐀𝐖 𝐅𝐈𝐑𝐌 – 𝐇𝐨̛̣𝐩 𝐭𝐚́𝐜 𝐯𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐛𝐞̂̀𝐧
- Tại Hà Nội: Tầng 4, Tòa nhà Sudico, đường Mễ Trì, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
- Tại TP.HCM: 272 Đỗ Pháp Thuận, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
- Website: http://linconlaw.vn/
- Email: Lawyer@linconlaw.vn
- Facebook: https://www.facebook.com/Linconlawfirmm
- Linkedln: linkedin.com/in/lincon-law-firm-100b96201
- Hotline: +84.987.733.358