CẦN LÀM GÌ KHI HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG HẾT HẠN?

CẦN LÀM GÌ KHI HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG HẾT HẠN?
Cần làm gì khi hợp đồng lao động hết hạn?

Một trong những căn cứ để chấm dứt hợp đồng lao động là hết hạn hợp đồng. Vậy khi hợp đồng lao động hết hạn, người sử dụng lao động cần làm gì, có cần báo trước cho người lao động biết?

1.         Gia hạn hợp đồng 

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019, khi hết hạn hợp đồng lao động thì hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động chấm dứt và không được gia hạn mà phải giao kết một hợp đồng mới, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 177 Bộ luật Lao động 2019 – phải gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ cho người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn hợp đồng lao động. 

2.         Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động

Theo quy định tại Điều 45 Bộ luật Lao động 2019, khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động, ngoại trừ những trường hợp sau:

(i)        Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động;

(ii)       Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất; 

(iii)      Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết;

(iv)     Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật;

(v)       Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải.

Như vậy, đối với trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động khi hết hạn hợp đồng, công ty có trách nhiệm phải thông báo bằng văn bản cho người lao động về việc chấm dứt hợp đồng lao động đó. 

3.         Thời gian thông báo

Trước đây, Bộ luật Lao động 2012 nêu rõ người sử dụng lao động cần thông báo bằng văn bản cho người lao động trong trường hợp chấm dứt hợp đồng cho hết hạn ít nhất 15 ngày trước khi ngày hợp đồng lao động hết hạn. Tuy nhiên, Bộ luật Lao động 2019 thay thế Bộ luật Lao động 2012, quy định này cũng có thay đổi. Khoản 1 Điều 45 Bộ luật Lao động 2019 chỉ yêu cầu người sử dụng lao động cần thông báo bằng văn bản đối với người lao động trong trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động do hết hạn hợp đồng mà không thông báo về việc thời hạn báo trước. Như vậy, từ năm 2021, các tổ chức vẫn có tránh nhiệm thông báo bằng văn bản cho người lao động nhưng không cần đảm bảo về số ngày báo trước, miễn là trước ngày hợp đồng lao động chấm dứt.

4.         Xử phạt hành vi vi phạm

Căn cứ theo khoản 1 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, đối với những trường hợp cần ra thông báo bằng văn bản đối với người lao động trước khi hợp đồng lao động hết hạn mà không thực hiện thì phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Đây là mức phạt đối với cá nhân; đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định này. 

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật Lao động 2019;
  • Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

𝐋𝐈𝐍𝐂𝐎𝐍 𝐋𝐀𝐖 𝐅𝐈𝐑𝐌 – 𝐇𝐨̛̣𝐩 𝐭𝐚́𝐜 𝐯𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐛𝐞̂̀𝐧

Bình Luận

Bình Luận

Chưa có bình luận nào.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *