Vốn góp là một trong những yếu tố nền tảng để thành lập và duy trì hoạt động doanh nghiệp. Vậy, đối với công ty TNHH hai thành viên (công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên) thì pháp luật quy định về chuyển nhượng phần vốn góp này như thế nào, trong một số trường hợp đặc biệt thì phần vốn góp sẽ được xử lý ra sao? Mời các bạn đọc cùng tham khảo bài viết sau:
Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về vấn đề chuyển nhượng phần vốn góp tại công ty TNHH hai thành viên tại các Điều 51, Điều 52:
Mua lại phần vốn góp
Căn cứ Điều 51 Luật Doanh nghiệp 2020, thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình nếu thành viên đó đã bỏ phiếu không tán thành đối với nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên về vấn đề sau đây:
“a) Sửa đổi, bổ sung các nội dung trong Điều lệ công ty liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên, Hội đồng thành viên;
b) Tổ chức lại công ty;
c) Trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.
Yêu cầu mua lại phần vốn góp phải bằng văn bản và được gửi đến công ty trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông qua nghị quyết, quyết định quy định tại khoản 1 Điều này.Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của thành viên quy định tại khoản 1 Điều này thì công ty phải mua lại phần vốn góp của thành viên đó theo giá thị trường hoặc giá được xác định theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty, trừ trường hợp hai bên thỏa thuận được về giá. Việc thanh toán chỉ được thực hiện nếu sau khi thanh toán đủ phần vốn góp được mua lại, công ty vẫn thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.Trường hợp công ty không thanh toán được phần vốn góp được yêu cầu mua lại theo quy định tại khoản 3 Điều này thì thành viên đó có quyền tự do chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho thành viên khác hoặc người không phải là thành viên công ty.”
Như vậy, thành viên trong công ty TNHH hai thành viên được quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình trong Công ty. Nếu sau 15 ngày mà công ty không thể thanh toán phần vốn góp của thành viên yêu cầu, thì thành viên đó có quyền chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho người khác, là thành viên hoặc không phải là thành viên của Công ty.
Chuyển nhượng phần vốn góp
Căn cứ pháp lý tại Điều 52, Luật doanh nghiệp 2020:
“Trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, khoản 6 và khoản 7 Điều 53 của Luật này, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác theo quy định sau đây:
a) Chào bán phần vốn góp đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện chào bán;
b) Chuyển nhượng với cùng điều kiện chào bán đối với các thành viên còn lại quy định tại điểm a khoản này cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chào bán.
Thành viên chuyển nhượng vẫn có các quyền và nghĩa vụ đối với công ty tương ứng với phần vốn góp có liên quan cho đến khi thông tin về người mua quy định tại các điểm b, c và đ khoản 2 Điều 48 của Luật này được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký thành viên.
Trường hợp chuyển nhượng hoặc thay đổi phần vốn góp của các thành viên dẫn đến chỉ còn một thành viên công ty thì công ty phải tổ chức quản lý theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và thực hiện đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hoàn thành việc chuyển nhượng.
Như vậy, thành viên trong công ty được quyền chào bán một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho thành viên khác. Và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là thành viên trong Công ty nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chào bán. Nếu việc chuyển nhượng dẫn đến việc Công ty chỉ còn một thành viên thì thực hiện chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang công ty TNHH một thành viên.
Các trường hợp đặc biệt liên quan đến phần vốn góp
Để hạn chế những rủi ro cho doanh nghiệp và đảm bảo việc vận hành doanh nghiệp cũng như quyền và lợi ích của các chủ thể khác, pháp luật doanh nghiệp có quy định các trường hợp đặc biệt ảnh hướng đến vốn góp của doanh nghiệp như:
– Đối với cá nhân: cá nhân đó chết, bị tuyên bố mất tích, bị hạn chế/ mất năng lực hành vi dân sự, khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi của mình; cá nhân tặng cho phần vốn góp; hoặc cá nhân bị tạm giam, chấp hành hình phạt từ, chấp hành biện pháp xử phạt hành chính tại các cơ sở cai nghiện/ giáo dục bắt buộc, cá nhân bị Tòa án tuyên cấm hành nghề.
– Đối với tổ chức: tổ chức giải thể hoặc phá sản, Tòa án tuyên câm kinh doanh hoạt động trong một số lĩnh vực.
Có thể thấy rằng, đây là các trường hợp điển hình trong quá trình vận hành của doanh nghiệp. Nó không phải liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp mà nó phát sinh từ các chủ thể góp vốn khi mà chủ thể năng không còn đầy đủ năng lực hành vi, quyền như các chủ thể thông thường khác. Người góp vốn có thể là cá nhân, tổ chức nhưng việc bị khuyết thiếu năng lực hành vi này sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như lợi ích các chủ thể khác. Do đó, các trường hợp này cần có phương án xử lý phù hợp.

Quy định về cách thức xử lý trong các trường hợp đặc biệt
Điều 53, 78, 127, 193 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định cụ thể về xử lý vốn góp trong các trường hợp đặc biệt như sau:
Đối với cá nhân
a. Trường hợp là cá nhân chết thì:
► Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người đó là chủ sở hữu công ty;
► Nếu người thừa kế không muốn trở thành thành viên thì phần vốn góp của thành viên được công ty mua lại hoặc chuyển nhượng theo quy định;
► Nếu không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì phần vốn góp đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự.
b. Trường hợp bị Tòa án tuyên bố mất tích thì quyền và nghĩa vụ của thành viên được thực hiện thông qua người quản lý tài sản của người đó theo quy định của pháp luật về dân sự.
c. Trường hợp bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì quyền và nghĩa vụ của người đó trong công ty được thực hiện thông qua người đại diện.
d. Trường hợp tặng cho một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác thì người được tặng cho trở chủ sở hữu công ty theo quy định sau đây:
Đối với công ty TNHH một thành viên, cá nhân, tổ chức được tặng cho phần vốn góp sẽ trở thành chủ sở hữu công ty.
f. Trường hợp là cá nhân bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc thì người đó ủy quyền cho người khác thực hiện một số hoặc tất cả quyền và nghĩa vụ của mình tại công ty.
Đối với tổ chức
Trường hợp tổ chức giải thể hoặc phá sản thì phần vốn góp được công ty mua lại hoặc chuyển nhượng theo quy định.
Nếu là cá nhân hoặc pháp nhân bị Tòa án ra quyết định cấm kinh doanh, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực mà công ty đang thực hiện thì thành viên đó không được hành nghề, làm công việc đã bị cấm tại công ty đó hoặc công ty tạm ngừng, chấm dứt kinh doanh ngành, nghề có liên quan theo quyết định của Tòa án.
Trên đây là các quy định về việc chuyển nhượng vốn góp đối với công ty TNHH hai thành viên và các phương án xử lý vốn góp trong một số trường hợp đặc biệt. Chúng tôi hy vọng bài viết đã cung cấp thông tin bổ ích và các phương án xử lý vốn góp để nhà đầu tư có cái nhìn tổng quát hơn cho mọi trường hợp xảy ra trong kinh doanh.
>> PHẢI ĐÓNG THUẾ TNCN CHO LƯƠNG THỬ VIỆC KHÔNG? https://linconlaw.vn/phai-dong-thue-tncn-cho-luong-thu-viec-khong/
𝐋𝐈𝐍𝐂𝐎𝐍 𝐋𝐀𝐖 𝐅𝐈𝐑𝐌 – 𝐇𝐨̛̣𝐩 𝐭𝐚́𝐜 𝐯𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐛𝐞̂̀𝐧
- Tại Hà Nội: Tầng 4, Tòa nhà Sudico, đường Mễ Trì, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
- Tại TP.HCM: 272 Đỗ Pháp Thuận, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
- Website: http://linconlaw.vn/
- Email: Lawyer@linconlaw.vn
- Facebook: https://www.facebook.com/Linconlawfirmm
- Linkedln: linkedin.com/in/lincon-law-firm-100b96201
- Hotline: +84.987.733.358