ĐẦU ĐỘC BẰNG XYANUA, DỄ LÀM KHÓ TRÁNH TỘI

ĐẦU ĐỘC BẰNG XYANUA, DỄ LÀM KHÓ TRÁNH TỘI

Thời gian gần đây, dư luận Việt Nam không ngừng hoang mang với hàng loạt vụ giết người bằng Xyanua tại Đồng Nai, hay thậm chí mang chất độc và thực hiện hành vi phạm tội tại Bangkok (Thái Lan). Xyanua là một chất độc mạnh, có thể gây tử vong nhanh chóng chỉ với một lượng nhỏ. Mặc dù việc mua và thực hiện hành vi đầu độc bằng Xyanua không quá khó khăn, nhưng những kẻ phạm tội khó tránh khỏi sự trừng phạt của pháp luật.

Xyanua là chất cực độc được quản lý theo quy trình riêng biệt, tuy nhiên được sử dụng phổ biến trong sản xuất

Xyanua (cyanide) là một chất loại cực độc, có khả năng gây tác hại lớn cho môi trường và sức khoẻ con người. Axit xyanhydric và các muối xyanua tan của nó có thể giết chết một người chỉ với lượng chừng 50 mg.

Các muối kim loại của Axit xyanhydric lại có vai trò rất lớn và được dùng phổ biến trong nhiều ngành công nghiệp:

– Công nghiệp mạ vàng, bạc, đồng hoặc các kim loại khác.

– Công nghiệp khai thác vàng-lấy vàng bằng phương pháp xyanua hoá.

– Công nghiệp sản xuất các pigmen mầu dùng cho ngành công nghiệp sơn, bột vẽ, dệt nhuộm cần các muối xyanua làm nguyên liệu.

– Công nghiệp sản xuất thuốc trừ sâu: xyanit canxi để diệt rệp và côn trùng trong nhà ở.

Trong y dược, axit xyanhydric được dùng ở dạng muối như Hg(CN)2 hay ở thể kết hợp như nước anh đào với tỷ lệ 1% HCN.

Pháp luật Việt Nam đã có quy định về quy trình công nghệ tiêu huỷ hoặc tái sử dụng Xyanua tại Quyết định 1971/1999/QĐ-BKHCNMT về Quy trình công nghệ tiêu huỷ hoặc tái sử dụng Xyanua do Bộ trưởng Bộ Khoa học, công nghệ và môi trường ban hành ngày 10/11/1999. Tuy nhiên, việc mua bán Xyanua trên thị trường chợ đen là rất khó kiểm soát.

Xyanua từng là công cụ phạm tội trong nhiều vụ án nghiêm trọng trên thế giới

Thực tế việc sử dụng Xyanua cho mục đích đầu độc, thậm chí giết người không quá xa lạ.

Thế giới đã chứng kiến hàng loạt vụ sát hại kinh hoàng bằng Xyanua, điển hình như vụ án của “The Iceman” (người băng) tại Mỹ, người phụ nữ Thái Lan sát hại 14 người từ năm 2015 đến 2023, hay nàng dâu Ấn Độ sát hại 6 người nhà chồng từ năm 2002 đến 2016.

Tại Việt Nam, vụ án nữ ‘sát thủ’ giết 13 người bằng chất độc Xyanua từ những năm 1998 cũng trong một thời gian dài gây chấn động. Hay gần đây nhất là vụ án tại Đồng Nai và vụ 6 người Việt tử vong tại Bangkok (Thái Lan).

Dù tình tiết phạm tội khó phát hiện, tất cả các vụ án trên đều đã bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện, điều tra và xử lý.

Axit xyanhydric và các muối xyanua tan của nó có thể giết chết một người chỉ với lượng chừng 50 mg. (Ảnh: Internet)

Đầu độc bằng Xyanua, người thực hiện hành vi có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người

Căn cứ tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự, Tòa án sẽ quyết định hình phạt trong từng trường hợp cụ thể.

Hình phạt đối với tội giết người, các khung phạt tù tương ứng mức độ phạm tội theo mức độ tăng dần, căn cứ Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015: (i) từ 01 năm đến 05 năm; (ii) từ 07 năm đến 15 năm; (iii) từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Mua bán Xyanua trái phép cũng có thể bị xử lý hình sự

Là một loại hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp của Phụ lục I kèm theo Nghị định số 113/2017/NĐ-CP, việc mua bán, kinh doanh Xyanua chỉ có thể thực hiện khi sau khi được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bởi cơ quan có thẩm quyền theo đúng thủ tục quy định.

Hành vi mua, bán trái phép chất Xyanua có thể đối mặt với hình phạt tại Điều 311 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) về tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc.

Theo đó, hình phạt tù được áp dụng tối thiểu 01 năm và mức cao nhất là chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Căn cứ pháp lý và tài liệu tham khảo:

𝐋𝐈𝐍𝐂𝐎𝐍 𝐋𝐀𝐖 𝐅𝐈𝐑𝐌 – 𝐇𝐨̛̣𝐩 𝐭𝐚́𝐜 𝐯𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐛𝐞̂̀𝐧

Bình Luận

Bình Luận

Chưa có bình luận nào.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *