Trọng tài và Tòa án là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại phổ biến khi các bên không thể giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải. Quyết định giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài hay tòa án phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm sự đồng ý của các bên, tính pháp lý của tranh chấp, nguồn lực tài chính và cân đối về mặt lợi ích của từng bên. Vậy, nên lựa chọn cơ quan nào là câu hỏi được khá nhiều doanh nghiệp đặt ra khi đối mặt với một tranh chấp thương mại.
1. Tranh chấp thương mại là gì?
Theo quy định Luật Thương mại 2005, hoạt động thương mại được xác định là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.
Từ đó có thể hiểu rằng, tranh chấp thương mại là những mâu thuẫn, bất đồng trong hoạt động thương mại, phát sinh từ việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ theo thỏa thuận, hợp đồng thương mại đã ký kết.
2. Có những hình thức giải quyết tranh chấp thương mại nào?
Các hình thức giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại bao gồm:
– Thương lượng giữa các bên.
– Hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải.
– Giải quyết tại Trọng tài hoặc Toà án.
Lưu ý, thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại tại Trọng tài, Toà án được tiến hành theo các thủ tục tố tụng do pháp luật quy định.
3. Nên giải quyết tranh chấp thương mại bằng Trọng tài hay Tòa án?
Để trả lời câu hỏi nên sử dụng Trọng tài hay Tòa án làm cơ quan giải quyết tranh chấp thương mại, doanh nghiệp cần xem xét cụ thể và cân đối quyền, lợi ích của mình trong trường hợp tương ứng, xét đến tính pháp lý của tranh chấp, nguồn lực tài chính, sự cần thiết của việc bảo vệ bí mật thông tin cùng yếu tố gián đoạn đối với hoạt động kinh doanh nếu có.
Giải quyết tranh chấp thương mại bằng Trọng tài hay Tòa án đều mang những ưu, nhược điểm riêng. Có thể tham khảo một vài điểm tiêu biểu như dưới đây:
a. Đối với Trọng tài
Một trong những ưu điểm nổi bật khi lựa chọn Trọng tài làm cơ quan giải quyết tranh chấp thương mại đó là tính nhanh chóng và linh hoạt. So sánh với thủ tục xét xử tại Tòa án, quá trình thực hiện tại Trọng tài thương mại chỉ diễn ra ở một cấp xét xử. Qua đó, việc giải quyết tranh chấp cũng mềm dẻo, đồng thời rút ngắn thủ tục tố tụng và tiết kiệm được thời gian, công sức của các bên, hạn chế thời gian gián đoạn hoạt động kinh doanh có thể phát sinh.
Tính linh hoạt của hình thức giải quyết tranh chấp thương mại thông qua Trọng tài còn thể hiện ở việc không giới hạn về mặt lãnh thổ, các bên có thể thỏa thuận lựa chọn địa điểm Trọng tài trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam. Ngoài ra, trường hợp tranh chấp có yếu tố nước ngoài, ngôn ngữ Trọng tài cũng là một nội dung mà các bên có thể thỏa thuận.
Hạn chế tiết lộ bí quyết kinh doanh cũng là ưu điểm của hình thức Trọng tài, do việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng Trọng tài thương mại được thực hiện theo nguyên tắc không công khai nếu các bên không có thỏa thuận khác.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến những vấn đề sau khi lựa chọn Trọng tài làm cơ quan giải quyết tranh chấp thương mại. Việc thi hành phán quyết Trọng tài phụ thuộc rất nhiều vào sự tự nguyện của các bên tranh chấp. Trường hợp bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ phán quyết Trọng tài khi đã hết thời hạn, thì bên được thi hành án mới có thể gửi đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành phán quyết. Ngoài ra, chi phí thực hiện cũng tương đối cao.
>> THỦ TỤC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BẰNG TRỌNG TÀI https://linconlaw.vn/thu-tuc-giai-quyet-tranh-chap-bang-trong-tai/
>> ĐIỀU KIỆN CÔNG BỐ SẢN PHẨM MỸ PHẨM https://linconlaw.vn/dieu-kien-cong-bo-san-pham-my-pham/
b. Đối với Tòa án
Lựa chọn Tòa án, kết quả giải quyết tranh chấp thương mại được đảm bảo thi hành bởi sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước. Hơn nữa, việc giải quyết bằng Toà án có thể qua nhiều cấp xét xử vì thế sẽ đảm bảo cho quyết định của Tòa án được chính xác, công bằng, khách quan, đảm bảo quyền lợi đến mức cao nhất của các bên trong tranh chấp.
Về mặt kinh tế, chi phí giải quyết tranh chấp thương mại tại Tòa án thấp hơn rất nhiều so với Trọng tài thương mại.
Tuy nhiên, do việc xét xử qua nhiều cấp có thể làm kéo dài thời gian, gây căng thẳng tâm lý hoặc gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các bên tham gia tố tụng tại Tòa án.
Cơ sở pháp lý:
- Luật Thương mại 2005;
- Luật Trọng tài thương mại 2010.
𝐋𝐈𝐍𝐂𝐎𝐍 𝐋𝐀𝐖 𝐅𝐈𝐑𝐌 – 𝐇𝐨̛̣𝐩 𝐭𝐚́𝐜 𝐯𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐛𝐞̂̀𝐧
- Tại Hà Nội: Tầng 4, Tòa nhà Sudico, đường Mễ Trì, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
- Tại TP.HCM: 272 Đỗ Pháp Thuận, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
- Website: http://linconlaw.vn/
- Email: Lawyer@linconlaw.vn
- Facebook: https://www.facebook.com/Linconlawfirmm
- Linkedln: linkedin.com/in/lincon-law-firm-100b96201
- Hotline: +84.987.733.358