Trọng tài là một lựa chọn phổ biến như hình thức giải quyết tranh chấp thương mại với ưu điểm về thời gian cùng thủ tục tinh gọn, cũng như tính linh hoạt, đặc biệt đối với những vụ việc có yếu tố nước ngoài. Thủ tục giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài phải tuân thủ quy định của pháp luật. Vậy, trình tự thực hiện diễn ra như thế nào?
1. Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài
Trên thực tế, không phải mọi tranh chấp phát sinh đều có thể được giải quyết thông qua hình thức Trọng tài. Thủ tục giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài chỉ được thực hiện nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật:
– Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được áp dụng nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
– Trường hợp một bên tham gia thoả thuận Trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thoả thuận Trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
– Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
2. Thủ tục giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài
Thủ tục giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thực hiện theo thủ tục tố tụng quy định.
a. Nộp đơn khởi kiện trong giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài
Trường hợp giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện gửi đến Trung tâm trọng tài. Trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện và gửi cho bị đơn.
Đơn khởi kiện gồm có các nội dung sau đây:
– Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
– Tên, địa chỉ của các bên; tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có;
– Tóm tắt nội dung vụ tranh chấp;
– Cơ sở và chứng cứ khởi kiện, nếu có;
– Các yêu cầu cụ thể của nguyên đơn và giá trị vụ tranh chấp;
– Tên, địa chỉ người được nguyên đơn chọn làm Trọng tài viên hoặc đề nghị chỉ định Trọng tài viên.
Kèm theo đơn khởi kiện, phải có thỏa thuận trọng tài, bản chính hoặc bản sao các tài liệu có liên quan.
b. Bản tự bảo vệ và đơn kiện lại của bị đơn trong giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài
Đối với vụ tranh chấp được giải quyết tại Trung tâm trọng tài, nếu các bên không có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài không có quy định khác, thì bị đơn phải gửi cho Trung tâm trọng tài bản tự bảo vệ. Thời hạn thực hiện là 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo. Theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, thời hạn này có thể được Trung tâm trọng tài gia hạn căn cứ vào tình tiết cụ thể của vụ việc.
Đối với vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, nếu các bên không có thoả thuận khác, bị đơn phải gửi cho nguyên đơn và Trọng tài viên bản tự bảo vệ, tên và địa chỉ của người mà mình chọn làm Trọng tài viên. Thời hạn thực hiện là 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn và các tài liệu kèm theo,
Bản tự bảo vệ gồm có các nội dung sau đây:
i- Ngày, tháng, năm làm bản tự bảo vệ;
ii- Tên và địa chỉ của bị đơn;
iii- Cơ sở và chứng cứ tự bảo vệ, nếu có;
iv- Tên và địa chỉ của người được bị đơn chọn làm Trọng tài viên hoặc đề nghị chỉ định Trọng tài viên.
Lưu ý:
– Trường hợp bị đơn cho rằng vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Trọng tài, không có thoả thuận Trọng tài, thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì phải nêu rõ điều đó trong bản tự bảo vệ.
– Trường hợp bị đơn không nộp bản tự bảo vệ theo quy định thì quá trình giải quyết tranh chấp vẫn được tiến hành.
Bị đơn có quyền kiện lại nguyên đơn về những vấn đề có liên quan đến vụ tranh chấp. Đơn kiện lại của bị đơn phải được gửi cho Trung tâm trọng tài, trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, đơn kiện lại phải gửi cho Hội đồng trọng tài và nguyên đơn.
Đơn kiện lại phải được nộp cùng thời điểm nộp bản tự bảo vệ.
>> LỰA CHỌN TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI, ƯU NHƯỢC ĐIỂM THẾ NÀO? https://linconlaw.vn/lua-chon-trong-tai-thuong-mai-uu-nhuoc-diem-the-nao/
>> THAY ĐỔI NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT DO PHẠT TÙ TRONG CÔNG TY TNHH HAI THÀNH VIÊN https://linconlaw.vn/thay-doi-nguoi-dai-dien-theo-phap-luat-do-phat-tu-trong-cong-ty-tnhh-hai-thanh-vien/

b. Thành lập Hội đồng Trọng tài
Việc thành lập Hội đồng trọng tài có thể theo thỏa thuận của các Bên, quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài (đối với trường hợp giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài) hoặc theo quy định của Luật Trọng tài thương mại.
Trong trường hợp các bên không có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài không quy định khác, việc thành lập Hội đồng trọng tài được quy định như sau:
Thành phần Hội đồng trọng tài có thể bao gồm một hoặc nhiều Trọng tài viên theo sự thỏa thuận của các bên. Trường hợp các bên không có thoả thuận về số lượng Trọng tài viên thì Hội đồng trọng tài bao gồm ba Trọng tài viên.
c. Mở phiên họp giải quyết tranh chấp
Nếu các bên không có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài không có quy định khác, thời gian và địa điểm mở phiên họp sẽ do Hội đồng trọng tài quyết định.
Giấy triệu tập tham dự phiên họp phải được gửi cho các bên chậm nhất 30 ngày trước ngày mở phiên họp nếu các bên không có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài không có quy định khác.
Hội đồng trọng tài có thể tiến hành hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp theo yêu cầu của các bên. Khi các bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết trong vụ tranh chấp thì Hội đồng trọng tài lập biên bản hoà giải thành có chữ ký của các bên và xác nhận của các Trọng tài viên. Hội đồng trọng tài ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên, quyết định này là chung thẩm và có giá trị như phán quyết trọng tài.
d. Ra phán quyết trọng tài
Căn cứ kết quả của phiên họp giải quyết tranh chấp băng Trọng tài, nội dung trình bày, bảo vệ của các bên, Hội đồng trọng tài sẽ ra phán quyết dựa trên các nguyên tắc sau:
– Hội đồng Trọng tài ra phán quyết trọng tài bằng cách biểu quyết theo nguyên tắc đa số;
– Trường hợp biểu quyết không đạt được đa số thì phán quyết Trọng tài được lập theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng Trọng tài.
Căn cứ pháp lý:
- Luật Trọng tài thương mại 2010.
𝐋𝐈𝐍𝐂𝐎𝐍 𝐋𝐀𝐖 𝐅𝐈𝐑𝐌 – 𝐇𝐨̛̣𝐩 𝐭𝐚́𝐜 𝐯𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐛𝐞̂̀𝐧
- Tại Hà Nội: Tầng 4, Tòa nhà Sudico, đường Mễ Trì, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
- Tại TP.HCM: 272 Đỗ Pháp Thuận, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
- Website: http://linconlaw.vn/
- Email: Lawyer@linconlaw.vn
- Facebook: https://www.facebook.com/Linconlawfirmm
- Linkedln: linkedin.com/in/lincon-law-firm-100b96201
- Hotline: +84.987.733.358