KHẤU TRỪ CHI PHÍ TỔN THẤT DO BÃO LŨ TRONG THUẾ TNDN

KHẤU TRỪ CHI PHÍ TỔN THẤT DO BÃO LŨ TRONG THUẾ TNDN

Siêu bão Yagi – cơn bão số 3, cơn bão mạnh nhất trong nhiều thập kỷ qua đã để lại những hậu quả nặng nề tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với tổn thất rất lớn về tài sản và hoạt động kinh doanh. Trong bối cảnh này, câu hỏi đặt ra rằng, liệu các doanh nghiệp có được khấu trừ chi phí tổn thất do bão lũ, giảm gánh nặng thuế và áp lực tài chính hay không?

Doanh nghiệp có thể được khấu trừ chi phí tổn thất do bão lũ

Căn cứ Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC (sửa đổi bởi Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC), doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

– Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

– Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

– Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên, trong đó giá đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có chi phí liên quan đến phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác có thể được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), dù không đáp ứng hoặc không đáp ứng đầy đủ điều kiện nêu trên.

Lưu ý, chỉ được khấu trừ chi phí tổn thất do bão lũ nếu phần giá trị này không được bồi thường.

Lưu ý về trách nhiệm của doanh nghiệp để được khấu trừ chi phí tổn thất do bão lũ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN

Doanh nghiệp phải tự xác định rõ tổng giá trị tổn thất do bão lũ, cách xác định theo quy định của pháp luật.

Trong đó, phần giá trị tổn thất do bão lũ không được bồi thường được xác định bằng tổng giá trị tổn thất (-) trừ phần giá trị doanh nghiệp bảo hiểm hoặc tổ chức, cá nhân khác phải bồi thường.

Siêu bão Yagi – cơn bão số 3, cơn bão mạnh nhất trong nhiều thập kỷ qua đã để lại những hậu quả nặng nề tại Việt Nam. Các doanh nghiệp có thể được khấu trừ chi phí tổn thất do bão lũ nếu không được bồi thường. (Ảnh: Internet)

Hồ sơ đối với tài sản, hàng hóa bị tổn thất để khấu trừ chi phí tổn thất do bão lũ

Doanh nghiệp cần chuẩn bị, lưu tại doanh nghiệp và xuất trình với cơ quan thuế khi cơ quan thuế yêu cầu đối với các hồ sơ sau:

– Biên bản kiểm kê giá trị tài sản, hàng hóa bị tổn thất do doanh nghiệp lập, trong đó xác định rõ các nội dung:

+ Giá trị tài sản, hàng hóa bị tổn thất, nguyên nhân tổn thất, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về những tổn thất;

+ Chủng loại, số lượng, giá trị tài sản, hàng hóa có thể thu hồi được (nếu có);

+ Bảng kê xuất nhập tồn hàng hóa bị tổn thất có xác nhận do đại diện hợp pháp của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

– Hồ sơ bồi thường thiệt hại được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường (nếu có).

– Hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường (nếu có).

Căn cứ pháp lý:

  • Thông tư 78/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 218/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành;
  • Thông tư 96/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định 12/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 78/2014/TT-BTC, Thông tư 119/2014/TT-BTC, Thông tư 151/2014/TT-BTC do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.

𝐋𝐈𝐍𝐂𝐎𝐍 𝐋𝐀𝐖 𝐅𝐈𝐑𝐌 – 𝐇𝐨̛̣𝐩 𝐭𝐚́𝐜 𝐯𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐛𝐞̂̀𝐧

Bình Luận

Bình Luận

Chưa có bình luận nào.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *