“MUA CHUI” CỔ PHIẾU, CA SĨ “CHIẾC KHĂN GIÓ ẤM” BỊ PHẠT 245 TRIỆU ĐỒNG. THẤY GÌ TỪ VI PHẠM?

“MUA CHUI” CỔ PHIẾU, CA SĨ “CHIẾC KHĂN GIÓ ẤM” BỊ PHẠT 245 TRIỆU ĐỒNG. THẤY GÌ TỪ VI PHẠM?
“MUA CHUI” CỔ PHIẾU, CA SĨ “CHIẾC KHĂN GIÓ ẤM” BỊ PHẠT 245 TRIỆU ĐỒNG. THẤY GÌ TỪ VI PHẠM?

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Phạm Khánh Phương, mức xử phạt 245 triệu đồng.

Ca sĩ “Chiếc khăn gió ấm” đã vi phạm những quy định gì?

Vi phạm quy định đăng ký chào mua công khai, phạt 150 triệu đồng, đồng thời buộc từ bỏ quyền biểu quyết trên số cổ phần từ hành vi vi phạm và buộc bán cổ phiếu để giảm tỷ lệ xuống dưới mức phải chào mua công khai (25%) trong thời hạn tối đa 6 tháng.

Từ 23/06 – 28/10/2022, ông Phương đã mua hơn 3,1 triệu cổ phiếu của CTCP Sông Đà 1.01 (mã chứng khoán SJC) làm tăng tỷ lệ nắm giữ từ 0% lên 45,5%. Ngày 23/12/2022, ông Phương tiếp tục thực hiện giao dịch các giao dịch mua bán cổ phiếu SJC làm tăng tỷ lệ sở hữu tương ứng từ 24,69% lên 25,81%.

Những giao dịch này đều không được thực hiện thủ tục chào mua công khai mặc dù thuộc trường hợp pháp luật yêu cầu.

Quy định của pháp luật:

“1. Các trường hợp sau đây phải chào mua công khai và đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước:

a) Tổ chức, cá nhân và người có liên quan theo quy định tại các điểm a, b, c, d, e và g khoản 46 Điều 4 của Luật này dự kiến mua cổ phiếu có quyền biểu quyết, chứng chỉ quỹ đóng đang lưu hành dẫn đến trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu đạt từ 25% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của 01 công ty đại chúng, chứng chỉ quỹ đóng đang lưu hành của 01 quỹ đóng;

b) Tổ chức, cá nhân và người có liên quan theo quy định tại các điểm a, b, c, d, e và g khoản 46 Điều 4 của Luật này nắm giữ từ 25% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của 01 công ty đại chúng, chứng chỉ quỹ đóng đang lưu hành của 01 quỹ đóng dự kiến mua tiếp dẫn đến trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu đạt hoặc vượt mức 35%, 45%, 55%, 65%, 75% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của 01 công ty đại chúng, chứng chỉ quỹ đóng đang lưu hành của 01 quỹ đóng; …”

Điều 35 Luật Chứng khoán 2019.

Vi phạm quy định báo cáo khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng, phạt tiền 60 triệu đồng.

Ông Phương đã mua 96.600 cổ phiếu SJC dẫn đến tỷ lệ sở hữu tăng từ 4,17% lên 5,56%, và trở thành cổ đông lớn của SJC ngày 14/10/2022. Tuy nhiên, ông Phương không báo cáo Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Quy định của pháp luật:

“1. Tổ chức, cá nhân, nhóm người có liên quan, nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan phải công bố thông tin khi trở thành hoặc không còn là cổ đông lớn của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng.”

Khoản 1 Điều 127 Luật Chứng khoán 2019

Trong đó, “cổ đông lớn” được xác định là cổ đông sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một tổ chức phát hành.

Vi phạm quy định báo cáo khi có thay đổi về tỷ lệ cổ phiếu sở hữu qua các ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết, phạt tiền 35 triệu đồng.

Từ ngày 21/10/2022 đến ngày 30/12/2022, ông Phương liên tục thực hiện các giao dịch đối với cổ phiếu SJC, làm thay đổi tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của ông và nhóm người liên quan, tăng từ 5,56% lên 8,42%; tăng từ 47,66% lên 48,62%; giảm từ 48,13% xuống 24,53%; giảm từ 48,06% xuống còn 47,83%; tăng từ 47.83% lên 48.26%; tăng từ 25,81% lên 26,04%.

Quy định của pháp luật:

“2. Tổ chức, cá nhân, nhóm người có liên quan, nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan là cổ đông lớn phải công bố thông tin khi có thay đổi về số lượng cổ phiếu sở hữu qua các ngưỡng 1% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng.”

Khoản 2 Điều 127 Luật Chứng khoán 2019.

Về chế tài xử phạt vi phạm theo quy định luật:

Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán tại Nghị định số 156/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 128/2021/NĐ-CP), mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm tương tự có thể lên tới 3.000.000.000 đồng đối với tổ chức và 1.500.000.000 đồng đối với cá nhân.

Ngoài ra, tùy hành vi và mức độ vi phạm có thể áp dụng đồng thời (i)- hình thức xử phạt bổ sung (như đình chỉ giao dịch chứng khoán có thời hạn…), (ii)- biện pháp khắc phục hậu quả (buộc chào mua công khai; buộc từ bỏ quyền biểu quyết trên số cổ phần vi phạm; buộc bán cổ phiếu để giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới mức chào mua…)

Thị trường chứng khoán là một kênh đầu tư hấp dẫn và triển vọng với tiềm năng hiệu quả cao. Tuy nhiên, mức phạt có thể rất nặng đối với những hành vi vi phạm dù xuất phát từ việc không nắm bắt đầy đủ hay tuân thủ không chặt chẽ quy định của pháp luật.

Do đó, các nhà đầu tư, cá nhân, tổ chức khi tham gia thị trường chứng khoán cũng cần hết sức lưu ý về tuân thủ quy định pháp luật hiện hành, tránh vướng mắc pháp lý và thiệt hại kinh tế phát sinh.

Nguồn tin: vietnamnet.vn >>https://vietnamnet.vn/mua-chui-co-phieu-ca-si-khanh-phuong-bi-phat-245-trieu-dong-2159506.html

𝐋𝐈𝐍𝐂𝐎𝐍 𝐋𝐀𝐖 𝐅𝐈𝐑𝐌 – 𝐇𝐨̛̣𝐩 𝐭𝐚́𝐜 𝐯𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐛𝐞̂̀𝐧

Bình Luận

Bình Luận

Chưa có bình luận nào.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *