QUYỀN ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG “DO HOÀN CẢNH THAY ĐỔI CƠ BẢN” TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19

QUYỀN ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG “DO HOÀN CẢNH THAY ĐỔI CƠ BẢN” TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19
QUYỀN ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG “DO HOÀN CẢNH THAY ĐỔI CƠ BẢN” TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19

Đại dịch Covid-19 diễn ra từ cuối năm 2019 đến nay, đã và đang gây tác động toàn diện, sâu rộng đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Cũng từ đó mà nền kinh tế toàn cầu gần như đang rơi vào suy thoái nghiêm trọng, trong đó nền kinh tế Việt Nam cũng chịu tác động không nhỏ từ đại dịch Covid-19. Theo đó, dưới các tác động của đại dịch Covid 19, nhiều hợp đồng kinh doanh, thương mại, mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ và các hợp đồng lao động mà đã giao kết trước thời điểm dịch bệnh bùng phát cũng vì thế mà phát sinh tranh chấp. Trong đó, phổ biến hiện nay là  các hợp đồng cho thuê mặt bằng. Cụ thể, bên thuê ký kết thuê mặt bằng với mục đích kinh doanh nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 Chính phủ đã ban hành các lệnh nhằm giãn cách xã hội, buộc các cơ sở kinh doanh tạm dừng hoạt động. 

Điều này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đến doanh thu, lợi nhuận cũng như làm giảm khả năng thanh toán theo hợp đồng thuê đối với bên cho thuê. Trong trường hợp này, các bên có thể tiến hành chủ động thương lượng, thỏa thuận để sửa đổi hợp đồng cho phù hợp hơn. Tuy nhiên, khả năng để các bên có thể đạt được các thỏa thuận dường như là rất thấp. Vụ khởi kiện tiêu biểu gần đây nhất, Công ty TNHH CJ CGV VIETNAM ( CGV) đã khởi kiện và yêu cầu TAND quận 1, TP.HCM tuyên chấm dứt hợp đồng thuê mặt bằng với Công ty cổ phần Quốc tế truyền thông (IMC). Theo đó, CGV đã yêu cầu tòa án tuyên chấm dứt hợp đồng sử dụng mặt bằng với lý do viện dẫn là hoàn cảnh thay đổi cơ bản trong quá trình thực hiện hợp đồng và không bên nào có lỗi khi chấm dứt hợp đồng. 

Bài viết này sẽ tiến hành phân tích một số vấn đề pháp lý liên quan đến quy định về “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” và từ đó đưa ra một số đánh giá pháp lý về việc liệu CGV có thể viện dẫn đại dịch Covid -19 như “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” để yêu cầu tòa án chấm dứt hợp đồng với IMC hay không? 

1.  Hoàn cảnh thay đổi cơ bản được áp dụng khi nào? 

a. Trong quy định luật pháp quốc tế:

Quy định về thực tiễn hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản là một điểm mới quan trọng trong pháp luật Việt Nam, ghi nhận tại điều 420 BLDS 2015 thế nhưng trong thực tiễn quốc tế và pháp luật hợp đồng của nhiều quốc gia, quy định này đã được ghi nhận từ lâu và được viện dẫn trong nhiều vụ kiện về hợp đồng mua bán hàng hóa. Cụ thể, khái niệm “hardship” và các khái niệm tương tự như “change of circumstances”, “changement de circonstances”, “Wegfall der Geschäftsgrundlage”, “eccessiva onerosità” được thừa nhận trong nhiều hệ thống pháp luật, trong đó, thuật ngữ “hardship” được sử dụng và được chấp nhận rộng rãi nhất.

Theo đó, quy định về “hardship” được ghi nhận tại Mục 2, chương 6 PICC (Bộ nguyên tắc Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế) và “sự thay đổi của hoàn cảnh” ghi nhận tại Điều 6:111 PECL (Bộ nguyên tắc châu Âu về hợp đồng), điều 62, Công ước Viên 1969. Bên cạnh đó, Bộ luật dân sự Pháp cũng quy định như sau: “Nếu sau khi giao kết hợp đồng, hoàn cảnh thay đổi cơ bản đến mức làm cho chi phí thực hiện nghĩa vụ đó tăng lên, mà bên bị bất lợi không thể gánh chịu rủi ro về sự kiện này, họ có quyền yêu cầu tiến hành đàm phán lại hợp đồng…”

Nhiều vụ tranh chấp đã phát sinh trong quá trình giao thương giữa các chủ thể, một  số các án lệ liên quan đến hoàn cảnh thay đổi cơ bản có thể tham khảo sau: 

(1) Tranh chấp giữa công ty Scaforn International BV (Phần Lan) và công ty Lorraine Tubes S.A.S (Pháp): trong vụ việc này, biến động trên thị trường thép khiến cho giá thép đã tăng lên 70% so với giá ban đầu. Tòa án Tối cao của Phần Lan cho rằng sự kiện giá thép tăng là không dự tính trước được- và đây được xem như “ change of circumstances”, tạo ra sự mất cân bằng nghiêm trọng, khiến cho việc tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trở nên bất lợi cho phía Người Bán.

(2) Tranh chấp giữa công ty quảng cáo của Tây Ban Nha (Nguyên đơn) với Công ty vận tải thành phố Valencia (Bị đơn) : Nguyên đơn và Bị đơn ký kết một hợp đồng thỏa thuận về việc khai thác quảng cáo trên xe bus (xe bus thuộc sở hữu của Bị đơn), tuy nhiên do khủng hoảng kinh tế dẫn đến nguồn đầu tư cho lĩnh vực marketing trên các phương tiện vận tải sụt giảm, Nguyên đơn đã yêu cầu Bị đơn giảm 70% giá thuê.

(3) Tranh chấp (số 8486) giữa Bên bán là công ty Hà Lan và Bên mua là công ty Thổ Nhĩ Kỳ tại Tòa án trọng tài quốc tế ICC Zurich: Hai bên ký kết hợp đồng lắp đặt máy sản xuất đường viên. Sau khi ký kết, Bên mua từ chối thanh toán theo hợp đồng và viện dẫn hoàn cảnh khó khăn do sự sụt giảm đột ngột nhu cầu đường viên trên thị trường. Hai bên đàm phán sửa đổi hợp đồng không thành công, bên bán Hà Lan tuyên bố chấm dứt hợp đồng và yêu cầu bên mua bồi thường thiệt hại. Trọng tài không công nhận trường hợp hardship và nhấn mạnh rằng việc chấm dứt hợp đồng dựa trên căn cứ viện dẫn điều khoản hardship chỉ được áp dụng trong một số trường hợp cực kì hiếm hoi, và rằng tính chất đặc trưng của một hoàn cảnh để được coi là hardship, là phải dẫn đến sự thay đổi cơ bản về cân bằng của hợp đồng. Chính vì vậy, một sự kiện đơn thuần chỉ làm tăng chi phí thực hiện nghĩa vụ của một bên thì không được coi là hoàn cảnh hardship, mà đúng hơn thuộc về rủi ro mà các bên phải gánh chịu.

b. Trong quy định pháp luật Việt Nam

Căn cứ Khoản 1, Điều 420, BLDS 2015 quy định về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi. Theo đó, hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi có đủ năm điều kiện đó là: 

– Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;

– Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;

– Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác;

– Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên;

– Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.

Đối với tính không lường trước của hoàn cảnh thay đổi. Theo Điểm b, Khoản 1, Điều 420 đưa ra quy định rằng “Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh”. Như vậy, hoàn cảnh này phải xảy ra sau khi hợp đồng được giao kết, và tại thời điểm giao kết, bên có lợi ích bị ảnh hưởng không biết được khả năng sẽ xảy ra. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là  tính “không lường trước” theo quy định tại Điều 420 vẫn còn khá chung chung, vẫn tạo kẽ hở tương đối lớn trong quá trình áp dụng.

Hoàn cảnh thay đổi gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho một bên, theo điểm c, Khoản 1 Điều 420 quy định rõ là một bên sẽ chịu thiệt hại nghiêm trọng nếu phải tiếp tục thực hiện hợp đồng theo nội dung đã giao kết. Vậy như thế nào được xem là “Thiệt hại nghiêm trọng” vẫn chưa được giải thích rõ. Tuy nhiên, theo tinh thần của nguyên tắc giao kết hợp đồng, thiệt hại nghiêm trọng ở đây có thể được hiểu là sự thiệt hại đó làm cho một bên không đạt được mục đích của mình khi giao kết hợp đồng. Và, pháp luật dành quyền xác định tính nghiêm trọng cho chính các bên hoặc cho Tòa án. Đối với quy định liên quan đến việc bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết vẫn không ngăn chặn được. Giống như trường hợp bất khả kháng, trong hoàn cảnh thay đổi, pháp luật buộc bên bị ảnh hưởng phải có nghĩa vụ phải cố gắng tự khắc phục, nhằm đảm bảo hợp đồng vẫn tiếp tục được thực hiện nếu có thể. Chỉ khi nào bên bị ảnh hưởng chứng minh được đã áp dụng mọi biện pháp trong khả năng vẫn không cứu vãn được, thì mới được viện dẫn đến điều 420. 

Tóm lại, theo quy định của pháp luật hiện hành về hoàn cảnh thay đổi cơ bản trong BLDS 2015 cần đáp ứng đủ năm điều kiện đã nêu và việc xác định cũng như đánh giá các điều kiện của hoàn cảnh thay đổi cơ bản cần được xem xét trong từng trường hợp cụ thể của mỗi hợp đồng. 

QUYỀN ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG “DO HOÀN CẢNH THAY ĐỔI CƠ BẢN” TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19

2. Phân tích đánh giá liệu Covid 19 có được xem là hoàn cảnh thay đổi cơ bản hay không, áp dụng cụ thể trong trường hợp CGV và IMC?  

Căn cứ theo quy định tại khoản 1, điều 420 BLDS 2015: 

Thứ nhất, đặt trong trường hợp Hợp đồng thuê giữa CGV và IMC, COVID-19 xảy ra trên phạm vi toàn cầu và tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng đã công bố đây là dịch bệnh truyền nhiễm trên phạm vi toàn quốc. Dịch bệnh hoàn toàn nằm ngoài ý chí chủ quan và kiểm soát của các bên, là nguyên nhân khách quan đối với các bên trong hợp đồng và xảy ra đột ngột. Do đó, COVID-19 hoàn toàn thỏa mãn điều kiện đầu tiên của hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Căn cứ theo quy định tại điểm a, khoản 1 điều 420 BLDS 2015. 

Thứ hai, tại thời điểm giao kết hợp đồng, cả hai bên không thể lường trước được sự thay đổi hoàn cảnh. Bởi khi giao kết hợp đồng, dịch Covid chưa xuất hiện, việc kinh doanh của CGV vẫn diễn ra rất thuận lợi. Tuy nhiên khi xảy ra dịch bệnh và những hệ lụy khốc liệt của nó đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh doanh của CGV, hoàn cảnh thực hiện hợp đồng dường như có sự thay đổi lớn. Do đó, Covid-19 có thể được xem là thỏa mãn điều kiện thứ hai quy định điểm b, khoản 1, điều 420 BLDS 2015 về hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

Thứ ba, liên quan đến “Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác”, theo quy định điểm c, khoản 1, điều 420 BLDS 2015. Theo đó, sự thay đổi hoàn cảnh thực hiện hợp đồng làm cho các bên không thể thực hiện được những điều khoản đã ký kết. Cụ thể mọi hoạt động trong xã hội được đặt trong “trạng thái cách ly” là sự thay đổi hiển nhiên so với hoàn cảnh trước đó. Chắc chắn rằng, nếu biết được dịch bệnh xảy ra với sự ảnh hưởng nghiêm trọng như vậy thì các chủ thể sẽ không thể ký kết với các thỏa thuận trước đó.

Thứ tư, quy định tại điểm d, khoản 1, điều 420 BLDS 2015 đưa ra điều kiện về “Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên”, điều này hoàn toàn phù hợp trong trường hợp này. Lý do, nếu hai bên vẫn tiếp tục thực hiện hợp đồng thì CGV sẽ chịu thiệt hại lớn do khi dịch bệnh xuất hiện, chính quyền thành phố đã đưa ra quy định yêu cầu doanh nghiệp CGV phải tạm ngừng hoạt động do dịch bệnh. Vì vậy, nếu hợp đồng thuê vẫn được thực hiện, các chi phí về mặt bằng và dịch vụ nguyên đơn vẫn phải trả, trong khi đó, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp lại bị tạm hoãn, do đó dĩ nhiên bên CGV sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng.

Thứ năm, tại điểm e, khoản 1, điều 420 BLDS 2015, đưa ra điều kiện rằng “Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.” Rõ ràng, đặt trong bối cảnh này, CGV rất khó tìm ra giải pháp để ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích bởi lẽ tác động đặc biệt nghiêm trọng của dịch bệnh, chấp hành chủ trương chung của Nhà nước là “chấp nhận thiệt hại về kinh tế để phòng chống dịch. 

3. Kết luận

Như các phân tích trên, có thể kết luận rằng, hoàn cảnh thực hiện hợp đồng của CGV có thể được xem là thỏa mãn các điều kiện của hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo quy định tại khoản 1 điều 420 BLDS 2015. Hay nói cách khác, các tác động của Covid-19 có thể được xem là hoàn cảnh thay đổi cơ bản trong trường hợp hợp đồng thuê mặt bằng giữa CGV và IMC. Xuất phát từ nguyên tắc của pháp luật dân sự là tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận, bên cạnh các quy định về sự kiện bất khả kháng, hoàn cảnh thay đổi cơ bản cũng  là một trong những quy định rất có ý nghĩa cho doanh nghiệp, đưa ra thêm các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn nhất định, nhất là trong đại dịch Covid- 19 như hiện nay.

Tóm lại, có thể thấy rằng COVID-19 đang là một tác nhân tác động sâu sắc đến việc thực hiện hợp đồng kinh doanh, thương mại. Qua trường hợp trên, các doanh nghiệp cần rút ra bài học trong quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng giữa các bên. Các chủ thể bên cạnh việc cần lưu ý đến các  điều khoản trong hợp đồng thì cũng cần phải tính đến yếu tố tác động như dịch bệnh để từ đó có các thỏa thuận, quy định phù hợp hơn nhằm tránh cách tranh chấp có thể phát sinh trong tương lai. 

𝐋𝐈𝐍𝐂𝐎𝐍 𝐋𝐀𝐖 𝐅𝐈𝐑𝐌 – 𝐇𝐨̛̣𝐩 𝐭𝐚́𝐜 𝐯𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐛𝐞̂̀𝐧

Bình Luận

Bình Luận

Chưa có bình luận nào.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *