Hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế đang ngày một phát triển dẫn tới việc ngành dịch vụ vận chuyển hàng hóa quốc tế đang là một trong những ngành dịch vụ đem lại nhiều lợi nhuận cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này. Khi muốn sử dụng dịch vụ, một hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế sẽ được ký kết giữa khách hàng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Vậy khi soạn thảo và ký kết loại hợp đồng này, các doanh nghiệp cần lưu ý những gì?
1. Khái quát về hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế
1.1. Khái niệm
Hợp đồng vận chuyển hàng hóa là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển.
Hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế là hợp đồng vận chuyển hàng mang yếu tố quốc tế. Yếu tố quốc tế ở đây có thể được nhận biết thông qua một trong số các yếu tố sau:
– Có ít nhất một trong các bên của hợp đồng (người vận chuyển, người thuê vận chuyển và người mua hàng) có quốc tịch nước ngoài hoặc có trụ sở tại nước ngoài.
– Hợp đồng được ký kết hoặc thực hiện ở nước ngoài;
– Đối tượng của hợp đồng là hàng hóa tồn tại ở nước ngoài;
– Có sự dịch chuyển của hàng hóa qua lãnh thổ của các quốc gia khác nhau.
1.2. Các loại hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế
Sự phân loại hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế có thể dựa trên nhiều yếu tố. Tuy nhiên một trong số các yếu tố phổ biến nhất chính là hình thức vận chuyển. Theo đó, các loại hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế chủ yếu bao gồm:
– Hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển: là bất kỳ hợp đồng nào mà theo đó người chuyên chở đảm nhận chuyên chở hàng hóa bằng đường biển từ một cảng này đến một cảng khác để thu tiền cước. Tuy nhiên, một hợp đồng bao gồm chuyên chở bằng đường biển và cả phương tiện khác thì hợp đồng đó chỉ được coi là hợp đồng chuyên chở bằng đường biển theo nghĩa trong Công ước này, nếu nó liên quan đến vận tải đường biển.
– Hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường hàng không: là sự thỏa thuận giữa người vận chuyển là tổ chức cung cấp dịch vụ vận chuyển thương mại bằng đường hàng không và người thuê vận chuyển, theo đó người vận chuyển có nghĩa vụ vận chuyển hàng hóa đến địa điểm đến và trả hàng hóa cho người có quyền nhận; người thuê vận chuyển có nghĩa vụ thanh thoán cước phí vận chuyển.

2. Các lưu ý khi ký kết hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế
2.1. Chủ thể trong hợp đồng
Chủ thể trong một hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế sẽ bao gồm bên thuê vận chuyển và bên vận chuyển. Khi ký kết hợp đồng, bên vận chuyển nên xác nhận về việc bên thuê là bên sở hữu hàng hóa là đối tượng của hợp đồng hoặc là người được ủy quyền bởi chủ sở hữu hàng hóa đó.
Ngược lại, bên thuê vận chuyển cũng cần chắc chắn rằng bên vận chuyển có đủ các điều kiện cần thiết và được phép kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa quốc tế.
2.2. Đối tượng của hợp đồng
Đối tượng của hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế là công việc vận chuyển hàng hóa qua các quốc gia khác nhau của bên vận chuyển. Khi ký kết hợp đồng, hai bên cần lưu ý về vấn đề liệu công việc này có vi phạm một quy định nào đó về vận chuyển hàng hóa quốc tế hay không, liệu hàng hóa có bị cấm xuất khẩu hoặc nhập khẩu theo pháp luật quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu hay không, v.v.
2.3. Hình thức của hợp đồng
Hình thức của hợp đồng cần tuân thủ quy định của pháp luật quốc gia xuất khẩu, nhập khẩu và các công ước quốc tế. Thông thường, hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế sẽ phải được thể hiện dưới dạng văn bản để tránh các rủi ro.
2.4. Ngôn ngữ của hợp đồng
Các bên có thể thỏa thuận lựa chọn ngôn ngữ của hợp đồng. Tuy nhiên vì là hợp đồng mang yếu tố quốc tế nên ngôn ngữ cần thiết là Tiếng Anh. Ngoài ra các bên có thể có thêm các bản hợp đồng được viết bằng ngôn ngữ của quốc gia mình.
2.5. Nội dung của hợp đồng
Hai bên khi soạn thảo cần cân nhắc và kiểm tra kỹ các thông tin được ghi nhận trên hợp đồng, bao gồm các thông tin cơ bản như:
– Thông tin của bên vận chuyển, bên thuê vận chuyển, bên nhận hàng và các bên liên quan khác (nếu có);
– Thông tin cụ thể về hàng hóa vận chuyển (loại hàng, số lượng, khối lượng, tình trạng hàng hóa, v.v.)
– Nội dung công việc, trong đó ghi rõ thời gian, địa điểm giao nhận hàng hóa;
– Quyền và nghĩa vụ của các bên;
– Thời điểm chuyển giao rủi ro;
– Quy định về sự kiện bất khả kháng;
– Quy định về giải quyết tranh chấp;
– Chi phí của hợp đồng và chi phí phát sinh.
2.6. Các tài liệu đính kèm
Tài liệu quan trọng nhất cần có khi ký hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế là vận đơn đường biển, vận đơn hàng không và các giấy tờ vận chuyển liên quan khác.
>> KHI NÀO PHẢI ĐĂNG KÝ KHOẢN VAY NƯỚC NGOÀI? https://linconlaw.vn/khi-nao-phai-dang-ky-khoan-vay-nuoc-ngoai/
>> VỐN ĐẦU TƯ, TỪ NHẦM LẪN PHỔ BIẾN ĐẾN MỨC PHẠT 100 TRIỆU ĐỒNG https://linconlaw.vn/03-nham-lan-thuong-gap-ve-von-dau-tu/
𝐋𝐈𝐍𝐂𝐎𝐍 𝐋𝐀𝐖 𝐅𝐈𝐑𝐌 – 𝐇𝐨̛̣𝐩 𝐭𝐚́𝐜 𝐯𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐛𝐞̂̀𝐧
- Tại Hà Nội: Tầng 4, Tòa nhà Sudico, đường Mễ Trì, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
- Tại TP.HCM: 272 Đỗ Pháp Thuận, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
- Website: http://linconlaw.vn/
- Email: Lawyer@linconlaw.vn
- Facebook: https://www.facebook.com/Linconlawfirmm
- Linkedln: linkedin.com/in/lincon-law-firm-100b96201
- Hotline: +84.987.733.358