KHÔNG NIÊM YẾT GIÁ HÀNG HÓA BỊ PHẠT THẾ NÀO?

KHÔNG NIÊM YẾT GIÁ HÀNG HÓA BỊ PHẠT THẾ NÀO?

Niêm yết giá hàng hóa là nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Đây là một yếu tố giúp người tiêu dùng dễ dàng so sánh và lựa chọn sản phẩm, đồng thời là công cụ hỗ trợ quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, không ít cửa hàng và doanh nghiệp vẫn chưa tuân thủ quy định này, không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ, dẫn đến tình trạng thiếu minh bạch trong giao dịch.

Tổ chức, cá nhân kinh doanh bắt buộc phải niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ

Niêm yết giá là hình thức công khai về giá, bao gồm mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Mục đích của việc niêm yết giá nhằm bảo đảm thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng. Đồng thời phục vụ việc quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ là nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Đây cũng là một trong những nội dung mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải thực hiện công khai theo quy định của pháp luật.

Giá niêm yết được xác định căn cứ nhiều yếu tố

Quy định tại Luật Giá 2023, giá niêm yết được xác định là giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ đã bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có) của hàng hóa, dịch vụ đó do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định bằng Đồng Việt Nam, trừ các trường hợp thực hiện theo quy định của pháp luật về ngoại hối.

Giá niêm yết được gắn với số lượng hoặc khối lượng hàng hóa, dịch vụ phù hợp, các thông tin khác (nếu có) về đặc điểm kỹ thuật cơ bản, xuất xứ, phương thức mua, bán.

Niêm yết giá hàng hóa cần thực hiện theo hình thức quy định

Việc niêm yết giá có thể được thực hiện theo hình thức sau, đảm bảo thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền:

– In, dán, ghi thông tin trên bảng, giấy; hoặc

– In trực tiếp trên bao bì của hàng hóa; hoặc

– Các hình thức phù hợp với điều kiện thực tế tại địa điểm bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ hoặc trên các trang thông tin điện tử.

Các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ niêm yết giá bảo đảm rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ.

Niêm yết giá là hình thức công khai về giá, bao gồm mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (Ảnh: Internet)

Xử phạt đối với hành vi không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ

Các tổ chức, cá nhân phải thực hiện niêm yết giá theo quy định và điều chỉnh mức giá niêm yết ngay khi có sự thay đổi về giá của hàng hóa, dịch vụ.

Trường hợp vi phạm, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 87/2024/NĐ-CP như sau:

Phạt tiền đối với hành vi không niêm yết giá theo quy định

– Trường hợp không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ bằng một trong các hình thức quy định, mức phạt áp dụng như sau:

+ Đối với cá nhân vi phạm, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng;

+ Đối với tổ chức vi phạm, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

– Trường hợp niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ không đúng giá cụ thể do cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân quyết định, mức phạt áp dụng như sau:

+ Đối với cá nhân vi phạm, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng;

+ Đối với tổ chức vi phạm, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Buộc khắc phục hậu quả đối với hành vi không niêm yết giá theo quy định

Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ sẽ bị buộc thực hiện niêm yết giá theo đúng quy định.

Căn cứ pháp lý:

  • Luật Giá 2023;
  • Nghị định 87/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá.

𝐋𝐈𝐍𝐂𝐎𝐍 𝐋𝐀𝐖 𝐅𝐈𝐑𝐌 – 𝐇𝐨̛̣𝐩 𝐭𝐚́𝐜 𝐯𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐛𝐞̂̀𝐧

Bình Luận

Bình Luận

Chưa có bình luận nào.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *