MÃ SỐ, MÃ VẠCH HÀNG HÓA – TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC PHÂN PHỐI?

MÃ SỐ, MÃ VẠCH HÀNG HÓA – TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC PHÂN PHỐI?

Trong bối cảnh thương mại hiện đại, việc phân phối hàng hóa được gắn liền với hệ thống mã số, mã vạch nhằm đảm bảo tính minh bạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Theo quy định của pháp luật hiện hành, người thực hiện phân phối hàng hóa có mã số, mã vạch cũng phải tuân thủ các quy định quản lý, kiểm soát nhất định nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần ổn định thị trường và ngăn chặn hành vi gian lận.

Sản phẩm, hàng hóa có bắt buộc gắn mã số, mã vạch?

Pháp luật Việt Nam không quy định bắt buộc sử dụng mã số, mã vạch trong chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, phù hợp với nhu cầu thực tế, mã số, mã vạch góp phần không nhỏ trong quá trình quản lý và lưu thông hàng hóa hiệu quả và minh bạch.

Mã số là một dãy số hoặc chữ được sử dụng để định danh sản phẩm, dịch vụ, địa điểm, tổ chức, cá nhân. Còn mã vạch là phương thức lưu trữ và truyền tải thông tin của mã số thông qua một trong các hình thức:

– Loại ký hiệu vạch tuyến tính (mã vạch một chiều);

– Tập hợp điểm (Data Matrix, QRcode, PDF417 và các mã vạch hai chiều khác);

– Chip nhận dạng qua tần số vô tuyến (RFID); và

– Các công nghệ nhận dạng khác.

Các cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thể lựa chọn sử dụng mã vạch hoặc không. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, trong trường hợp có sử dụng mã số, mã vạch trên sản phẩm, không chỉ người trực tiếp sử dụng mã số, mã vạch mà các đơn vị phân phối, lưu thông và buôn bán sản phẩm, hàng hóa cũng cần nắm được quy định của pháp luật đối với trách nhiệm của mình.

Tổ chức thực hiện phân phối, lưu thông và buôn bán có trách nhiệm như thế nào đối với mã số, mã vạch trên hàng hóa, sản phẩm?

Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 19b Nghị định 74/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 132/2008/NĐ-CP hướng dẫn Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trách nhiệm của tổ chức thực hiện các hoạt động phân phối, lưu thông, buôn bán sản phẩm, hàng hóa như sau:

– Kiểm tra, kiểm soát chất lượng và tính hợp pháp của mã số, mã vạch trên hàng hóa trước khi đưa vào lưu thông;

– Không phân phối, lưu thông và buôn bán sản phẩm, hàng hóa hoặc đối tượng có sử dụng mã số, mã vạch không đúng quy định.

Trong trường hợp có sử dụng mã số, mã vạch trên sản phẩm, đơn vị phân phối, lưu thông và buôn bán sản phẩm, hàng hóa cũng cần nắm được quy định của pháp luật đối với trách nhiệm của mình. (Ảnh: Internet)

Mã số, mã vạch như thế nào được coi là đáp ứng quy định?

Mã số, mã vạch phải tuân thủ quy định đối với từng loại tương ứng.

– Trường hợp mã số, mã vạch theo chuẩn của GS1 với tiền tố mã quốc gia Việt Nam “893”: mã số, mã vạch phải được đăng ký sử dụng theo quy định; được tạo và gắn với thông tin quyền sở hữu của tổ chức; mang tính đơn nhất và đảm bảo chất lượng; được ghi/in trên bao bì sản phẩm, hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn quy định…

– Trường hợp mã số, mã vạch không theo chuẩn GS1: Tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về loại mã số, mã vạch đang sử dụng; không gây trùng lắp hoặc nguy cơ nhầm lẫn với các loại mã số, mã vạch theo chuẩn của Tổ chức mã số, mã vạch quốc tế GS1…

Trong đó, “GS1” là tên viết tắt của tổ chức Mã số, Mã vạch quốc tế, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn quốc tế về mã số, mã vạch, quy định các thủ tục quản lý, sử dụng và cung cấp các dịch vụ có liên quan. Tổ chức GS1 có các thành viên làm đại diện tại mỗi nước, tại Việt Nam là GS1 Việt Nam, mang tiền tố mã quốc gia “893”.

Vi phạm về mã số, mã vạch của doanh nghiệp phân phối, lưu thông và buôn bán hàng hóa bị xử phạt như thế nào?

Quy định tại Điều 32 Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hành vi buôn bán hàng hóa vi phạm quy định về mã số mã vạch có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 15.000.000 đồng tùy mức độ vi phạm.

Căn cứ pháp lý:

  • Nghị định 132/2008/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
  • Nghị định 74/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 132/2008/NĐ-CP hướng dẫn Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
  • Thông tư 10/2020/TT-BKHCN hướng dẫn Nghị định 132/2008/NĐ-CP và 74/2018/NĐ-CP về sử dụng mã số, mã vạch do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành;
  • Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

𝐋𝐈𝐍𝐂𝐎𝐍 𝐋𝐀𝐖 𝐅𝐈𝐑𝐌 – 𝐇𝐨̛̣𝐩 𝐭𝐚́𝐜 𝐯𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐛𝐞̂̀𝐧

Bình Luận

Bình Luận

Chưa có bình luận nào.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *