TRƯỜNG HỢP NÀO BẮT BUỘC CÓ GIẤY PHÉP KINH DOANH?

TRƯỜNG HỢP NÀO BẮT BUỘC CÓ GIẤY PHÉP KINH DOANH?

Giấy phép kinh doanh là yêu cầu bắt buộc đối với thương nhân khi tham gia vào một số hoạt động phân phối, buôn bán hàng hóa, thương mại tại Việt Nam. Đây là công cụ pháp lý nhằm kiểm soát và đảm bảo sự tuân thủ quy định trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, đặc biệt đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Vậy, theo quy định hiện hành, trong những trường hợp cụ thể nào bắt buộc phải có giấy phép kinh doanh?

Hoạt động nào bắt buộc phải có giấy phép kinh doanh?

Giấy phép kinh doanh là một trong những yêu cầu được đặt ra đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài triển khai một số hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Cụ thể, giấy phép này được cấp cho các hoạt động:

– Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa (không bao gồm hàng hóa là gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí);

– Thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn hàng hóa là dầu, mỡ bôi trơn;

– Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa là gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí;

– Cung cấp dịch vụ logistics; trừ các phân ngành dịch vụ logistics mà Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;

– Cho thuê hàng hóa, không bao gồm cho thuê tài chính (trừ cho thuê trang thiết bị xây dựng có người vận hành);

– Cung cấp dịch vụ xúc tiến thương mại (không bao gồm dịch vụ quảng cáo);

– Cung cấp dịch vụ trung gian thương mại;

– Cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;

– Cung cấp dịch vụ tổ chức đấu thầu hàng hóa, dịch vụ.

Cần lưu ý gì về điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh?

Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thuộc nước, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường

Đối với nhà đầu tư nước ngoài đến từ quốc gia hoặc vùng lãnh thổ thuộc phạm vi các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và có cam kết mở cửa thị trường đối với hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp, điều kiện cần đáp ứng bao gồm:

– Quy định về tiếp cận thị trường theo cam kết tương ứng tại Điều ước quốc tế.

– Kế hoạch tài chính khả thi cho việc thực hiện các hoạt động cần cấp Giấy phép kinh doanh.

– Không có nợ thuế quá hạn nếu đã hoạt động tại Việt Nam từ 01 năm trở lên.

Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không thuộc nước, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường hoặc dịch vụ kinh doanh chưa được cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế đã tham gia

Đối với nhà đầu tư nước ngoài không đến từ quốc gia hoặc vùng lãnh thổ thuộc phạm vi các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, hoặc dịch vụ kinh doanh chưa được cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cần đáp ứng các điều kiện sau:

– Kế hoạch tài chính khả thi cho việc thực hiện các hoạt động cần cấp Giấy phép kinh doanh.

– Không có nợ thuế quá hạn nếu đã hoạt động tại Việt Nam từ 01 năm trở lên.

– Phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành.

– Phù hợp với mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trong cùng lĩnh vực hoạt động.

– Khả năng tạo việc làm cho lao động trong nước.

– Khả năng và mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Giấy phép kinh doanh là một trong những yêu cầu được đặt ra đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài
triển khai một số hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. (Ảnh: Internet)

Trường hợp hàng hóa kinh doanh chưa được cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên

a. Điều kiện chung áp dụng đối với hoạt động kinh doanh hàng hóa bao gồm là dầu, mỡ bôi trơn; gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí:

– Kế hoạch tài chính khả thi cho việc thực hiện các hoạt động cần cấp Giấy phép kinh doanh.

– Không có nợ thuế quá hạn nếu đã hoạt động tại Việt Nam từ 01 năm trở lên.

– Phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành.

– Phù hợp với mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trong cùng lĩnh vực hoạt động.

– Khả năng tạo việc làm cho lao động trong nước.

– Khả năng và mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước.

b. Ngoài ra, điều kiện đặc thù đối với từng loại hàng hóa như sau:

– Đối với hàng hóa là dầu, mỡ bôi trơn:

Xem xét cấp phép thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có thực hiện một trong các hoạt động sản xuất dầu, mỡ bôi trơn tại Việt Nam; hoặc sản xuất hoặc được phép phân phối tại Việt Nam máy móc, thiết bị, hàng hóa có sử dụng dầu, mỡ bôi trơn loại đặc thù.

– Đối với hàng hóa là gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí:

Xem xét cấp phép thực hiện quyền phân phối bán lẻ cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã có cơ sở bán lẻ dưới hình thức siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi để bán lẻ tại các cơ sở đó.

Không có giấy phép kinh doanh bị phạt thế nào?

Vận hành hoạt động kinh doanh khi chưa được cấp phép hoặc không được cấp phép hợp lệ được xác định là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử phạt hành chính tùy thuộc mức độ vi phạm. Cụ thể, không có không có giấy phép kinh doanh theo quy định, doanh nghiệp có thể bị phạt đến 30 triệu đồng, đồng thời buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp phát sinh từ hành vi vi phạm.

Việc không tuân thủ không chỉ khiến doanh nghiệp bị thiệt hại về tài chính, gián đoạn hoạt động kinh doanh mà còn ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến uy tín cũng như kế hoạch phát triển lâu dài.

Căn cứ pháp lý:

  • Luật Đầu tư 2020;
  • Luật Thương mại 2005;
  • Nghị định 09/2018/NĐ-CP về quy định chi tiết Luật thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
  • Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

𝐋𝐈𝐍𝐂𝐎𝐍 𝐋𝐀𝐖 𝐅𝐈𝐑𝐌 – 𝐇𝐨̛̣𝐩 𝐭𝐚́𝐜 𝐯𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐛𝐞̂̀𝐧

Bình Luận

Bình Luận

Chưa có bình luận nào.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *