Nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện đầu tư tại Việt Nam, việc lựa chọn chính xác tài khoản vốn đầu tư phù hợp là yếu tố quan trọng, đảm bảo tuân thủ pháp luật cũng như phòng ngừa rủi ro cho các giao dịch tài chính sau này. Vậy câu hỏi đặt ra rằng, trường hợp nhà đầu tư góp vốn tại doanh nghiệp Việt Nam với tỷ lệ sở hữu nước ngoài dưới 51%, tài khoản được sử dụng đúng quy định là ICCA hay DICA?
DICA và ICCA khác nhau thế nào?
Tài khoản vốn đầu tư gián tiếp (ICCA – Indirect Investment Capital Account) là tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam do nhà đầu tư nước ngoài mở tại ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch thu chi được phép liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
Cần phân biệt IICA với DICA – tài khoản vốn đầu tư trực tiếp (DICA – Direct Investment Capital Account) là tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam, được mở nhằm mục đích thực hiện các giao dịch liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Điểm khác biệt cơ bản giữa IICA và DICA nằm ở đối tượng mở và mục đích sử dụng tài khoản.
Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn dẫn đến sở hữu dưới 51% vốn điều lệ tại công ty Việt Nam, mở ICCA hay DICA?
Căn cứ Khoản 1 Điều 5 Thông tư 05/2014/TT-NHNN (sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 14 Thông tư 06/2019/TT-NHNN), trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn dẫn đến sở hữu dưới 51% vốn điều lệ tại công ty Việt Nam được xác định là hình thức đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, để phục vụ hoạt động liên quan đến vốn đầu tư, nhà đầu tư sử dụng tài khoản đầu tư gián tiếp (ICCA) theo quy định.
Trích dẫn Khoản 1 Điều 5 Thông tư 05/2014/TT-NHNN (sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 14 Thông tư 06/2019/TT-NHNN) hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp để thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam như sau:
“Điều 5. Hình thức đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam
Hoạt động đầu tư gián tiếp tại Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài bao gồm các hình thức sau đây:
1. Góp vốn, mua, bán cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 06/2019/TT-NHNN ngày 26 tháng 6 năm 2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có) chưa niêm yết, chưa đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán.”
Quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 06/2019/TT-NHNN:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
…
2. “Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài” bao gồm:
a) Doanh nghiệp được thành lập theo hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông và phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
b) Doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp, bao gồm:
(i) Doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào doanh nghiệp (hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc không có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài) dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp;
(ii) Doanh nghiệp được thành lập sau khi chia tách, sáp nhập, hợp nhất dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp;
(iii) Doanh nghiệp được thành lập mới theo quy định của pháp luật chuyên ngành;
c) Doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện dự án PPP theo quy định của pháp luật về đầu tư.”
Bên cạnh đó, ICCA cũng được sử dụng để phục vụ hoạt động đầu tư gián tiếp khác, bao gồm mua bán chứng khoán, giấy tờ có giá hay ủy thác đầu tư hoặc hình thức đầu tư gián tiếp khác theo quy định.

Nhà đầu tư cần lưu ý gì khi sử dụng ICCA?
Mỗi thời điểm chỉ được mở và sử dụng 01 tài khoản
ICCA chỉ được mở tại ngân hàng được phép theo quy định của pháp luật. Tại mỗi thời điểm, nhà đầu tư chỉ có thể mở 01 tài khoản phục vụ cho các giao dịch thu chi liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp.
Trường hợp có nhu cầu đổi ngân hàng mở ICCA, nhà đầu tư bắt buộc đóng tài khoản đã mở và đang sử dụng, chuyển toàn bộ số dư trên tài khoản này sang tài khoản mới.
Đồng tiền thanh toán qua ICCA là đồng Việt Nam
ICCA bản chất là tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam (VNĐ), mọi hoạt động đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thông qua ICCA phải được thực hiện bằng đồng Việt Nam.
ICCA chỉ được sử dụng cho số lượng hạn chế giao dịch
Theo quy định pháp luật, ICCA chỉ được sử dụng trong các giao dịch thu chi được phép:
– Thu liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư, bao gồm từ bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng; chuyển nhượng vốn góp, chứng khoán; nhận lãi/lợi nhuận từ hoạt động đầu tư…
– Chi liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp; chuyển vốn, lợi nhuận đầu tư ra nước ngoài; hay thanh toán các chi phí hợp lý phát sinh tại Việt Nam…
Ngoài ra, số dư trên ICCA sẽ không được phép chuyển sang tiền gửi có kỳ hạn và tiền gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Chuyển vốn ra nước ngoài từ ICCA thực hiện thế nào?
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài có thể sử dụng ICCA phục vụ chuyển lợi nhuận, cổ tức, hoặc tiền thu từ việc bán cổ phần, phần vốn góp hay các nguồn thu hợp pháp khác ra nước ngoài; hoặc khi kết thúc hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Bắt buộc sử dụng đồng Việt Nam trên ICCA để mua ngoại tệ và chuyển ra nước ngoài đối với nguồn thu từ hoạt động đầu tư đề cập trên.
>> TÀI KHOẢN VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP (DICA), LƯU Ý QUAN TRỌNG https://linconlaw.vn/tai-khoan-von-dau-tu-truc-tiep-dica-luu-y-quan-trong/
>> ĐẦU TƯ THEO HỢP ĐỒNG BCC, PHẢI MỞ DICA KHÔNG? https://linconlaw.vn/dau-tu-theo-hop-dong-bcc-phai-mo-dica-khong/
Căn cứ pháp lý:
- Thông tư 05/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp để thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành;
- Thông tư 06/2019/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành.
𝐋𝐈𝐍𝐂𝐎𝐍 𝐋𝐀𝐖 𝐅𝐈𝐑𝐌 – 𝐇𝐨̛̣𝐩 𝐭𝐚́𝐜 𝐯𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐛𝐞̂̀𝐧
- Tại Hà Nội: Tầng 4, Tòa nhà Sudico, đường Mễ Trì, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
- Tại TP.HCM: 272 Đỗ Pháp Thuận, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
- Website: http://linconlaw.vn/
- Email: Lawyer@linconlaw.vn
- Facebook: https://www.facebook.com/Linconlawfirmm
- Linkedln: linkedin.com/in/lincon-law-firm-100b96201
- Hotline: +84.987.733.358