QUYỀN CỦA DOANH NGHIỆP NHẬN VỐN GÓP BẰNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

QUYỀN CỦA DOANH NGHIỆP NHẬN VỐN GÓP BẰNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất không chỉ giúp tối ưu hóa giá trị tài sản mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển dự án và hợp tác kinh doanh. Tuy nhiên, để đảm bảo tính hợp pháp và hiệu quả, các quy định pháp lý liên quan đối với điều kiện cần thiết khi thực hiện góp vốn bằng quyền sử dụng đất, cũng như quyền của doanh nghiệp nhận vốn góp bằng quyền sử dụng đất cần được nắm vững.

Đối tượng nào được góp vốn bằng quyền sử dụng đất?

Góp vốn bằng quyền sử dụng đất thực chất là thỏa thuận giữa các bên về chuyển quyền sử dụng đất thông qua việc góp quyền sử dụng đất để tạo thành vốn điều lệ của tổ chức kinh tế. “Góp vốn” trong trường hợp này bao gồm góp vốn thành lập mới hoặc góp thêm vốn điều lệ của tổ chức kinh tế đã được thành lập.

Tuy nhiên, nhằm đảm bảo mục đích sử dụng đất và quản lý đất đai hiệu quả, chỉ một số đối tượng giới hạn có quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất, bao gồm:

– Tổ chức kinh tế trong nước được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê;

– Cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao trong hạn mức; đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; đất nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế;

– Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam;

– Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; người nước ngoài hoặc người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

Lưu ý rằng, quyền sử dụng đất được sử dụng cho mục đích góp vốn phải đáp ứng yêu cầu về tính khả thi trong định giá và yêu cầu về quyền sở hữu hợp pháp của chủ thể góp vốn.

Để đảm bảo tính hợp pháp và hiệu quả, các quy định pháp lý liên quan đối với quyền của doanh nghiệp nhận vốn góp bằng quyền sử dụng đất cần được nắm vững. (Ảnh: Internet)

Quyền của doanh nghiệp nhận vốn góp là quyền sử dụng đất?

Doanh nghiệp hay tổ chức kinh tế nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của cá nhân, tổ chức kinh tế khác, thuộc trường hợp được giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê thì có các quyền sau:

– Quyền chung của người sử dụng đất, như được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất…;

– Chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất;

– Cho thuê quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất đối với trường hợp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất; cho thuê lại quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê;

– Tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước; tặng cho quyền sử dụng đất cho cộng đồng dân cư để xây dựng các công trình phục vụ lợi ích chung của cộng đồng hoặc mở rộng đường giao thông theo quy hoạch; tặng cho quyền sử dụng đất để làm nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết gắn liền với đất theo quy định của pháp luật;

– Thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, tại tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật;

– Góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất với tổ chức trong nước, cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Căn cứ pháp lý:

  • Luật Doanh nghiệp 2020;
  • Luật Đất đai 2024.

𝐋𝐈𝐍𝐂𝐎𝐍 𝐋𝐀𝐖 𝐅𝐈𝐑𝐌 – 𝐇𝐨̛̣𝐩 𝐭𝐚́𝐜 𝐯𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐛𝐞̂̀𝐧

Bình Luận

Bình Luận

Chưa có bình luận nào.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *