TẠM ỨNG TIỀN LƯƠNG, CÔNG TY TÍNH LÃI ĐÚNG HAY SAI?

TẠM ỨNG TIỀN LƯƠNG, CÔNG TY TÍNH LÃI ĐÚNG HAY SAI?

Đề nghị người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương là một quyền lợi hợp pháp và quan trọng giúp người lao động giải quyết khó khăn tài chính tạm thời. Tuy nhiên, pháp luật có giới hạn về mức yêu cầu tối đa hay không và liệu rằng công ty có được phép tính lãi trên khoản tạm ứng tiền lương tương ứng?

Trong trường hợp nào người lao động được phép đề nghị tạm ứng tiền lương?

Quy định tại Bộ luật Lao động 2019, người lao động được quyền đề nghị công ty tạm ứng tiền lương khi cần thiết nhằm hỗ trợ giải quyết các vấn đề cá nhân. Mức tạm ứng và điều kiện áp dụng được quy định như sau:

Tạm ứng tiền lương theo thỏa thuận của các bên

Tôn trọng và ưu tiên quyền tự do thỏa thuận của các bên, người lao động và công ty có thể thỏa thuận linh hoạt về mức tạm ứng, thời gian hoàn trả và các điều khoản liên quan, với điều kiện không vi phạm điều cấm của pháp luật. Tuy nhiên, để đảm bảo tính minh bạch cũng như lợi ích hợp pháp, những thỏa thuận cần thiết được ghi nhận một cách rõ ràng và thực hiện trên cơ sở tự nguyện.

Tạm ứng tiền lương trong trường hợp trả lương theo sản phẩm, theo khoán

Việc trả lương cho người lao động theo sản phẩm, theo khoán được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận của hai bên.

Tuy nhiên, trong trường hợp thời điểm hoàn thành công việc để tính lương bị kéo dài – công việc phải làm trong nhiều tháng, người lao động sẽ được tạm ứng tiền lương hằng tháng, tương ứng khối lượng công việc đã làm trong tháng.

Tạm ứng tiền lương khi người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân

Người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân được tạm ứng lương nếu thời gian nghỉ kéo dài từ 01 tuần trở lên.

Tiền lương tạm ứng được tính toán và chi trả tương ứng với số ngày người lao động nghỉ để thực hiện nghĩa vụ, với mức tối đa không quá 01 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động. Trong trường hợp này, người lao động có nghĩa vụ hoàn trả số tiền đã tạm ứng.

Lưu ý, không áp dụng khi người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự.

Tạm ứng tiền lương trường hợp người lao động nghỉ phép

Khi nghỉ hằng năm (hay nghỉ phép) mà chưa đến kỳ trả lương, người lao động có quyền đề nghị công ty tạm ứng tiền lương theo quy định.

Mức tiền tạm ứng tối thiểu trong trường hợp này sẽ tương đương tiền lương của những ngày nghỉ.

Tạm ứng tiền lương khi người lao động bị tạm đình chỉ công việc

Công ty có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp, mà xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Lưu ý, thời hạn tạm đình chỉ công việc tối đa 15 ngày trong trường hợp thông thường và 90 ngày trong trường hợp đặc biệt.

Mức tạm ứng tiền lương áp dụng tương đương 50% tiền lương của người lao động trước khi bị đình chỉ công việc.

Tôn trọng và ưu tiên quyền tự do thỏa thuận của các bên, người lao động và công ty có thể thỏa thuận linh hoạt về mức tạm ứng, thời gian hoàn trả và các điều khoản liên quan (Ảnh: Internet)

Công ty tính lãi trên tiền lương tạm ứng, đúng hay sai?

Căn cứ khoản 1, Điều 101 Bộ luật Lao động 2019:

“Người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi.”

Như vậy, mặc dù ưu tiên thỏa thuận của các bên về các điều kiện thực hiện tạm ứng tiền lương, việc công ty tính lãi trên khoản tiền lương tạm ứng là không được phép.

Vi phạm quy định về tạm ứng tiền lương, công ty có thể bị phạt như thế nào?

Bên cạnh mục đích đảm bảo mối quan hệ lao động hài hòa, thúc đẩy lòng tin và tinh thần làm việc của nhân viên, chấp hành quy định về tạm ứng lương là yêu cầu pháp lý bắt buộc đối với doanh nghiệp.

Việc không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ có thể bị xử phạt hành chính tùy thuộc hành vi và mức độ vi phạm cụ thể tương ứng. Trong đó, mức phạt tiền tối đa có thể lên đến 100 triệu đồng, căn cứ khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật Lao động 2019;
  • Nghị định 12/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

𝐋𝐈𝐍𝐂𝐎𝐍 𝐋𝐀𝐖 𝐅𝐈𝐑𝐌 – 𝐇𝐨̛̣𝐩 𝐭𝐚́𝐜 𝐯𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐛𝐞̂̀𝐧

Bình Luận

Bình Luận

Chưa có bình luận nào.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *