HÀNG XÓM CHẶN LỐI ĐI CHUNG, GIẢI QUYẾT THẾ NÀO?

HÀNG XÓM CHẶN LỐI ĐI CHUNG, GIẢI QUYẾT THẾ NÀO?


Lấn chiếm đất liền kề, xây rào lắp cổng chặn lối đi chung là hiện tượng không hề xa lạ trong thực tế sử dụng đất, đặc biệt tại những khu vực có mật độ dân cư cao. Trường hợp này có vi phạm hay không? Và khi hàng xóm chặn lối đi chung gây khó khăn khi đi ra đường công cộng, chủ đất có thể giải quyết thế nào?

1. Nguyên tắc sử dụng bất động sản liền kề

Pháp luật tôn trọng quyền thỏa thuận của các bên trong quá trình sử dụng bất động sản liền kề, miễn rằng thỏa thuận không trái quy định và đảm bảo quyền lợi phù hợp của các bên.

Tuy nhiên, nếu các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không đầy đủ, cần lưu ý và tuân thủ các nguyên tắc sau:

– Bảo đảm nhu cầu hợp lý của việc khai thác bất động sản hưởng quyền phù hợp với mục đích sử dụng của cả bất động sản hưởng quyền và bất động sản chịu hưởng quyền.

– Không được lạm dụng quyền đối với bất động sản chịu hưởng quyền.

– Không được thực hiện hành vi ngăn cản hoặc làm cho việc thực hiện quyền đối với bất động sản hưởng quyền trở nên khó khăn.

Hành vi xâm phạm nguyên tắc quy định, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác trong quá trình sử dụng bất động sản tùy từng trường hợp, mức độ nghiêm trọng có thể được xác định là vi phạm pháp luật.

2. Quyền sử dụng lối đi chung

Theo pháp luật hiện hành, chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất do họ sở hữu.

Việc mở, phát triển, sử dụng lối đi chung trong trường hợp này được thực hiện ưu tiên thỏa thuận, đàm phán giữa các bên đảm bảo sự thuận tiện, quyền, lợi ích chung và ít gây phiền hà cho các bên.

Khác với lối đi công cộng thuộc phần đất công do Nhà nước quản lý, lối đi được mở từ phần bất động sản liền kề, hay “đất nhà hàng xóm” được xác định là đất thuộc quyền quản lý sử dụng riêng của cá nhân/gia đình. Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua có thể phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp các bên thống nhất khác đi.

Đối chiếu quy định cùng phân tích trên, đảm bảo lối đi chung là một trong những nghĩa vụ cần tuân thủ trong quá trình sử dụng bất động sản liền kề. Bất kì hành vi ngăn cản hoặc làm cho việc thực hiện quyền đối với bất động sản hưởng quyền trở nên khó khăn trong trường hợp này là không được phép.

Bất kì hành vi ngăn cản hoặc làm cho việc thực hiện quyền đối với bất động sản hưởng quyền trở nên khó khăn,
bao gồm lối đi chung là không được phép.

3. Giải quyết trong trường hợp không thỏa thuận được dẫn đến tranh chấp về lối đi chung

Tranh chấp lối đi chung là một trong những loại tranh chấp đất đai xảy ra khá phổ biến. Trường hợp hàng xóm cố tình chặn lối đi chung vi phạm pháp luật, chủ sở hữu bất động sản có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

a. Hòa giải tranh chấp lối đi chung

Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết thông qua hòa giải ở cơ sở. Tuy nhiên, nếu không tự hòa giải hoặc không thể giải quyết thông qua hòa giải ở cơ sở,các bên có quyền gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

b. Giải quyết tranh chấp lối đi chung tại cơ quan giải quyết tranh chấp

Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau, tùy từng trường hợp cụ thể:

– Giải quyết tại Ủy ban nhân dân có thẩm quyền;

– Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật dân sự 2015;
  • Bộ luật tố tụng dân sự 2015;
  • Luật đất đai 2013.

𝐋𝐈𝐍𝐂𝐎𝐍 𝐋𝐀𝐖 𝐅𝐈𝐑𝐌 – 𝐇𝐨̛̣𝐩 𝐭𝐚́𝐜 𝐯𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐛𝐞̂̀𝐧

Bình Luận

Bình Luận

Chưa có bình luận nào.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *