Việt Nam tham gia nhiều công ước về sở hữu trí tuệ, song lại là nước thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đứng ở vị trí khá thấp. Đây cũng là điều rất đáng lo ngại bởi mới đây Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại EVFTA giữa có cam kết về sở hữu trí tuệ mang tính bảo hộ rất cao. Vậy EVFTA quy định chế tài nào xử lý cho những vi phạm đó? Doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để có thể phát triển thuận lợi phù hợp với EVFTA?
1. Quy định về hàng giả trong Hiệp định EVFTA
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu (XK) sang thị trường EU sẽ được giảm thuế. Ngược lại, nhiều mặt hàng từ EU nhập khẩu vào Việt Nam cũng được giảm thuế theo cam kết của EVFTA. Tuy nhiên, hiện nay vấn nạn hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là hàng kinh doanh trên môi trường mạng Internet vẫn đang rất khó kiểm soát, ngăn chặn triệt để, đang là áp lực cho hàng Việt trong quá trình cạnh tranh với hàng ngoại nhập, có chất lượng và tiêu chuẩn cao của EU tại thị trường nội địa.
Hiệp định đưa ra những định nghĩa cụ thể về: hàng hóa giả mạo, hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT, hàng hóa sao chép lậu quyền tác giả. Theo Điều 12.57 của Hiệp định EVFTA thì hàng hóa giả mạo là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý.
– Trong đó, hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý là hàng hóa, bao gồm cả bao gói, có chứa một cách bất hợp pháp chỉ dẫn địa lý trùng với chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký hợp lệ cho hàng hóa cùng loại, hoặc không thể phân biệt yếu tố chính của chỉ dẫn địa lý đó với chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký, và việc nhập khẩu hàng hóa sẽ xâm phạm hoặc xuất khẩu hàng hóa sẽ cấu thành hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý liên quan theo pháp luật của Bên nơi hàng hóa bị phát hiện.
– Còn hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao gồm cả bao gói, có chứa một cách bất hợp pháp nhãn hiệu trùng với nhãn hiệu đã được đăng ký hợp lệ cho hàng hóa đó, hoặc không thể phân biệt các yếu tố chính của nhãn hiệu đó với nhãn hiệu đã được đăng ký, và việc nhập khẩu hàng hóa sẽ xâm phạm hoặc xuất khẩu hàng hóa sẽ cấu thành hành vi xâm phạm quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu liên quan theo quy định của pháp luật của Bên nơi hàng hóa bị phát hiện.
– Bên cạnh đó, EVFTA còn giải thích khái niệm về hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hàng hóa sao chép lậu quyền tác giả. Theo đó thì hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” là hàng hóa giả mạo và sao chép lậu quyền tác giả mà việc nhập khẩu hoặc xuất khẩu hàng hóa đó, theo luật của Bên nơi hàng hóa bị phát hiện, là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Còn hàng sao chép lậu quyền tác giả là bất kỳ hàng hóa nào được sao chép mà không có sự đồng ý của chủ thể quyền hoặc người được chủ thể quyền cho phép ở nước sao chép và được thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp từ tác phẩm mà việc tạo ra bản sao, cũng như nhập khẩu hoặc xuất khẩu sẽ cấu thành hành vi xâm phạm quyền tác giả hoặc quyền liên quan theo quy định của pháp luật của Bên nhập khẩu hoặc xuất khẩu tương ứng.
>> CHUYỂN NHƯỢNG NHÃN HIỆU, HỒ SƠ VÀ THỦ TỤC https://linconlaw.vn/chuyen-nhuong-nhan-hieu-ho-so-va-thu-tuc/
>> BẢN QUYỀN XUẤT BẢN SÁCH, TRUYỆN Ở VIỆT NAM https://linconlaw.vn/ban-quyen-xuat-ban-sach-truyen-o-viet-nam/
2. Một số chế tài xử lý của EVFTA khi có vi phạm sở hữu trí tuệ
EVFTA là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU. EVFTA, cùng với CPTPP là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. EVFTA được đánh giá là toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trong đó có các quy định của Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT (TRIPs). Khác với CPTPP, EVFTA tham chiếu khá nhiều tới TRIPs, không bao gồm các quy định về thực thi quyền SHTT bằng biện pháp hành chính và biện pháp hình sự.
– Về biện pháp dân sự:
EVFTA có các quy định về quyền nộp đơn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, chứng cứ, bồi thường thiệt hại được quy định khá chi tiết trong CPTPP. Theo đó, người có quyền nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp dân sự xử lý xâm phạm quyền SHTT được quy định tại Điều 12.44 rộng, theo đó bao gồm:
(i) Chủ thể quyền SHTT phù hợp với các quy định của pháp luật được áp dụng;
(ii) Tất cả những người được phép sử dụng những quyền SHTT đó;
(iii) Tổ chức quản lý tập thể quyền SHTT; và
(iv) Tổ chức nghề nghiệp.
Bên cạnh những quy định về bồi thường thiệt hại tương tự như TRIPS, CPTPP thì EVFTA có quy định khoản bồi thường trong trường hợp người xâm phạm không biết hoặc có cơ sở hợp lý để không biết việc dính líu đến hành vi xâm phạm (Điều 12.51.2). Theo đó, “một Bên có thể quy định rằng cơ quan tư pháp có thẩm quyền có thể yêu cầu, nhằm hỗ trợ cho bên bị thiệt hại, một khoản bù đắp lợi nhuận hoặc khoản bồi thường thiệt hại theo mức ấn định”.
– Về biện pháp kiểm soát biên giới:
Tại Hiệp định EVFTA đã quy định rằng khi thi hành các biện pháp tại biên giới nhằm thực thi quyền SHTT, các Bên phải bảo đảm sự phù hợp với các nghĩa vụ theo Hiệp định chung về thuế quan và thương mại GATT 1994 và TRIPS, cụ thể là Điều V của GATT 1994, và Điều 41 và Mục 4 Phần III của TRIPS. Theo quy định tại Điều 12.59, cơ quan hải quan phải trên cơ sở các kỹ thuật phân tích rủi ro, chủ động trong việc phát hiện và xác định các chuyến hàng nhập khẩu hoặc xuất khẩu có nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT. Các cơ quan này phải hợp tác với chủ thể quyền, bao gồm việc cho phép cung cấp thông tin để phân tích rủi ro.
– Thực thi quyền SHTT trong môi trường kỹ thuật số:
EVFTA cũng bao gồm các quy định về trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ trung gian (Điều 12.55). Theo đó, mỗi Bên phải quy định giới hạn hoặc miễn trừ trong pháp luật quốc gia liên quan đến trách nhiệm pháp lý của nhà cung cấp dịch vụ trung gian đối với việc xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan xảy ra trên mạng viễn thông liên quan đến việc cung cấp hoặc sử dụng dịch vụ của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian.
Bên cạnh đó, khác với CPTPP, EVFTA bao gồm những cam kết chi tiết về hợp tác giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam trong lĩnh vực SHTT, trong đó bao gồm thực thi quyền SHTT (Điều 12.60 và Điều 12.62).
– Các chế tài khác:
Ngoài những chế tài nêu trên, nếu hàng hóa mà các cơ quan tư pháp có thẩm quyền cho là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì hàng hóa đó có thể bị yêu cầu tiêu hủy nguyên liệu và thiết bị chủ yếu được sử dụng để tạo ra hoặc sản xuất hàng hóa xâm phạm, hoặc vứt bỏ/thanh lý chúng ngoài kênh thương mại theo cách thức giảm thiểu nguy cơ tái xâm phạm.Việc thực hiện những điều trên sẽ do người xâm phạm chịu chi phí thực hiện, trừ trường hợp có những lý do cụ thể được viện dẫn để không làm như vậy.
3. Lưu ý cho Doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ trên quốc tế
EVFTA là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, đặc biệt ở vấn đề sở hữu trí tuệ. Trong xu thế hội nhập sâu rộng như hiện nay, hệ thống sở hữu trí tuệ mạnh là cơ sở, tiền đề để một quốc gia kiểm soát các hoạt động kinh doanh và bảo vệ thương hiệu; từ đó giúp thu hút đầu tư của các công ty đa quốc gia, tăng cơ hội tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, tạo môi trường, cũng như hành lang pháp lý vững chắc để các cá nhân, tổ chức yên tâm phát triển ý tưởng sáng tạo, đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, có tính ứng dụng cao.
Với mức độ cam kết khá cao về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Hiệp định EVFTA sẽ tạo ra những thách thức không nhỏ về sửa đổi pháp luật trong nước. Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhận thức chung về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn thấp trong khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng như hiện nay, việc tăng cường phổ biến, nâng cao nhận thức của công chúng và doanh nghiệp về các cam kết của Hiệp định EVFTA trong lĩnh vực này là điều hết sức cần thiết.
Thực tế, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam Vẫn đang diễn ra ngày càng phổ biến và phức tạp. Điều này đã làm nản lòng không ít nhà đầu tư và là một những điểm yếu, thách thức lớn nhất hiện nay.
Đối với các nhóm các doanh nghiệp và chủ sở hữu quyền, các cam kết này không chỉ giúp gia tăng lợi ích kinh tế, tăng động lực sáng tạo mà còn góp phần tiết kiệm chi phí, tự tin trong đăng ký bảo vệ quyền.
Tuy nhiên đối với nhóm doanh nghiệp và các chủ thể sử dụng sản phẩm được bảo hội về sở hữu trí tuệ, muốn sử dụng sản phẩm được bảo hộ sẽ phải chi trả chi phí mua cao, giảm khả năng tiếp cận sản phẩm giá rẻ. Cùng với đó, rủi ro vi phạm, rủi ro chi phí do bị xử lý vi phạm tăng lên sẽ là yếu tố đặc biệt đối với các doanh nghiệp và chủ thể sử dụng sản phẩm được bảo hộ.
Những cam kết cụ thể về mức độ bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong Hiệp định EVFTA cùng với cam kết về nguyên tắc tối huệ quốc nhằm bảo đảm cho doanh nghiệp của hai bên được hưởng sự bảo hộ cao nhất mà mỗi bên dành cho bên thứ ba được cho là đã đặt ra một tiêu chuẩn mới trong việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng về bảo hộ của chủ thể quyền, nhưng vẫn đảm bảo độ linh hoạt nhất định để một quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể hưởng lợi từ bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Điều này sẽ tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp hai Bên, là động lực thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ cao trong nông nghiệp, công nghiệp chế biến, sản xuất hàng nông sản, thực phẩm; công nghệ năng lượng điện tái tạo, dược phẩm, chế tạo thiết bị máy móc… từ EU vào Việt Nam.
Các cam kết về sở hữu trí tuệ cũng mang lại những thách thức về việc chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nghiêm minh hơn có thể khiến doanh nghiệp của Việt Nam phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát như kiểm soát tại biên giới, đặc biệt là khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng.
Để có thể hưởng lợi hàng hóa từ Việt Nam phải tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng của EU, doanh nghiệp phải nâng cấp cho một số sản phẩm mà Việt Nam hiện chưa đạt chuẩn. Ví dụ, phải kiểm dịch động thực vật cho các sản phẩm nông sản, chứng minh được sản phẩm tốt hơn vì đã có những thông tin không hay liên quan vấn đề an toàn tại EU. Như vậy, dù cơ hội lớn nhưng doanh nghiệp cần nắm vững các thông tin thị trường, quy tắc xuất xứ cũng như các quy định của EU để có chiến lược dài hơi, tiếp cận thị trường một cách tốt nhất.
Căn cứ pháp lý:
- Hiệp định EVFTA.
𝐋𝐈𝐍𝐂𝐎𝐍 𝐋𝐀𝐖 𝐅𝐈𝐑𝐌 – 𝐇𝐨̛̣𝐩 𝐭𝐚́𝐜 𝐯𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐛𝐞̂̀𝐧
- Tại Hà Nội: Tầng 4, Tòa nhà Sudico, đường Mễ Trì, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
- Tại TP.HCM: 272 Đỗ Pháp Thuận, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
- Website: http://linconlaw.vn/
- Email: Lawyer@linconlaw.vn
- Facebook: https://www.facebook.com/Linconlawfirmm
- Linkedln: linkedin.com/in/lincon-law-firm-100b96201
- Hotline: +84.987.733.358