Trong trường hợp các phương thức thu hồi nợ không có hiệu quả, tổ chức tín dụng có thể tiến hành khởi kiện đối với bên vay ra Toà án. Tuy nhiên, khó khăn khi khởi kiện thu hồi nợ trong một số trường hợp là khó tránh khỏi.
Khó khăn khi khởi kiện thu hồi nợ trong xác định thẩm quyền xem xét, giải quyết vụ án của Tòa án
Các Tòa án có cách hiểu rất khác nhau về việc xác định thẩm quyền xem xét, giải quyết vụ án. Có Tòa án tôn trọng việc thỏa thuận của các bên được thỏa thuận trong các hợp đồng tín dụng, hợp đồng tài chính, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tập trung xử lý các vụ việc thuận lợi, chấp nhận nội dung thỏa thuận chọn Tòa án nơi có trụ sở hoạt động của tổ chức tín dụng, Chi nhánh, Phòng giao dịch của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, có trường hợp Tòa án không chấp nhận mà cho rằng phải là Tòa án nơi có tài sản thế chấp hoặc nơi thường trú của bị đơn.
Tòa án không tống đạt được cho khách hàng, bị đơn và người liên quan đến vụ việc
Tòa án phải ra quyết định trả lại đơn khởi kiện cho tổ chức tín dụng do bên bị khởi kiện cố tình trốn tránh, không hợp tác hoặc đình chỉ vụ án vì cho rằng chưa đủ điều kiện khởi kiện. Trong khi đó, mọi quyền lợi, nghĩa vụ của các bên liên quan đã được thỏa thuận rất chi tiết, cụ thể trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng tài chính và các văn bản thỏa thuận khác.
Hơn nữa, tài sản thế chấp vẫn tồn tại trên thực tế nhưng Tòa án vẫn trả đơn khởi kiện, đình chỉ vụ án vì các lý do không triệu tập được bị đơn, khách hàng, người liên quan. Đây là một trong những yếu tố chủ yếu gây ra tình trạng trì trệ đối với quá trình tố tụng khi tổ chức tín dụng đi khởi kiện khách hàng, bên thế chấp.
Việc ban hành các văn bản hướng dẫn một số lĩnh vực chưa được triển khai kịp thời, hiệu quả
Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là cơ sở pháp lý cao nhất, thể hiện quyết tâm của cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp trong việc giải phóng khối tài sản bảo đảm khổng lồ của nợ xấu còn tồn đọng. Tuy nhiên, các cơ quan pháp luật, cơ quan quản lý nhà nước lại chưa kịp thời trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn một số lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý của mình, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả triển khai Nghị quyết này.
Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại tòa án nhân dân, vẫn chưa tập trung vào điểm vướng mắc chính là các tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm phát sinh từ thời điểm bên nhận bảo đảm khởi kiện hoặc yêu cầu thi hành án. Chính những phát sinh tranh chấp về tài sản bảo đảm trong giai đoạn khởi kiện và giai đoạn thi hành án là nguyên nhân gây đóng băng hàng trăm ngàn tỷ đồng tài sản bảo đảm và làm cho nợ xấu ở Việt Nam ngày càng tăng cao.
Việc giải quyết vụ án của Tòa án bị kéo dài
Sự bất hợp tác của người bị kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong trường hợp này sẽ làm cho việc giải quyết vụ án của Tòa án bị kéo dài. Tòa án phải tiến hành xác minh, niêm yết văn bản tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự mới có thể xét xử vắng mặt họ.
Ngoài ra, có người bị kiện còn ủy quyền cho Luật sư tham gia tố tụng với mục đích kéo dài thời hạn giải quyết vụ án càng lâu càng tốt (đề nghị thu thập thêm tài liệu, chứng cứ, tiến hành trưng cầu giám định tài liệu…). Đối với những vụ án phức tạp có nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì phiên tòa xét xử bị hoãn nhiều lần là điều khó tránh khỏi, gây bức xúc mệt mỏi cho tổ chức tín dụng trong việc tham gia tố tụng.
Thời gian tố tụng
Theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, đối với các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại là tranh chấp liên quan đến Hợp đồng tín dụng thì thời hạn chuẩn bị xét xử là 02 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án (đối với những vụ án có tính chất phức tạp thì Chánh án Tòa án có thể gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng), tuy nhiên trên thực tế nhiều Tòa án không thực hiện đúng quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử mà Bộ Luật tố tụng dân sự quy định.
>> GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI, CHỌN TRỌNG TÀI HAY TÒA ÁN? https://linconlaw.vn/giai-quyet-tranh-chap-thuong-mai-chon-trong-tai-hay-toa-an/
>> THU HỒI NỢ HỢP PHÁP QUA ĐIỆN THOẠI ĐỐI VỚI CÔNG TY TÀI CHÍNH https://linconlaw.vn/thu-hoi-no-hop-phap-qua-dien-thoai-doi-voi-cong-ty-tai-chinh/
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
𝐋𝐈𝐍𝐂𝐎𝐍 𝐋𝐀𝐖 𝐅𝐈𝐑𝐌 – 𝐇𝐨̛̣𝐩 𝐭𝐚́𝐜 𝐯𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐛𝐞̂̀𝐧
- Tại Hà Nội: Tầng 4, Tòa nhà Sudico, đường Mễ Trì, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
- Tại TP.HCM: 272 Đỗ Pháp Thuận, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
- Website: http://linconlaw.vn/
- Email: Lawyer@linconlaw.vn
- Facebook: https://www.facebook.com/Linconlawfirmm
- Linkedln: linkedin.com/in/lincon-law-firm-100b96201
- Hotline: +84.987.733.358