Khi thành lập văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam (VPĐD nước ngoài), việc chọn người đứng đầu VPĐD nước ngoài là một phần quan trọng để đảm bảo hoạt động diễn ra một cách trơn tru và hiệu quả. Điều kiện được đặt ra đối với các yêu cầu về trách nhiệm và thẩm quyền, cùng với sự tuân thủ các quy định pháp luật phù hợp với chức năng hoạt động của VPĐD.
VPDD nước ngoài hoạt động với tư cách đơn vị phụ thuộc
Căn cứ pháp luật Thương mại, VPĐD nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài.
VPĐD nước ngoài thực hiện chức năng văn phòng liên lạc, tìm hiểu thị trường, xúc tiến thúc đẩy cơ hội đầu tư kinh doanh của thương nhân mà mình đại diện, không bao gồm ngành dịch vụ mà việc thành lập VPĐD nước ngoài trong lĩnh vực đó theo quy định. VPĐD nước ngoài không được thực hiện hoạt động sinh lợi trực tiếp tại Việt Nam.
Hạn chế đối với người đứng đầu VPĐD nước ngoài
Người đứng đầu VPĐD nước ngoài không được kiêm nhiệm các chức vụ:
– Người đứng đầu Chi nhánh của cùng một thương nhân nước ngoài;
– Người đứng đầu Chi nhánh của thương nhân nước ngoài khác;
– Người đại diện theo pháp luật của thương nhân nước ngoài đó hoặc thương nhân nước ngoài khác;
– Người đại diện theo pháp luật của tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam.
Người đứng đầu VPĐD nước ngoài thực hiện chức năng đại diện cho thương nhân nước ngoài tại Việt Nam theo ủy quyền và phải tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam liên quan đến chế độ ủy quyền lại cho người thực hiện nghĩa vụ của người đứng đầu VPĐD nước ngoài.
Trách nhiệm pháp lý của người đứng đầu VPĐD nước ngoài
Người đứng đầu VPĐD nước ngoài phải chịu trách nhiệm trước thương nhân nước ngoài về hoạt động của mình và VPĐD nước ngoài trong phạm vi được thương nhân nước ngoài ủy quyền; đồng thời chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình trong trường hợp thực hiện các hoạt động ngoài phạm vi được ủy quyền.
Người đứng đầu VPĐD nước ngoài cần lưu ý đối với vấn đề ủy quyền thực hiện chức năng, nhiệm vụ
Người đứng đầu VPĐD nước ngoài phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu VPĐD thương nhân nước ngoài theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam. Lưu ý, việc ủy quyền này phải được sự đồng ý của thương nhân nước ngoài. Trường hợp này, người đứng đầu VPĐD nước ngoài vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.
Trường hợp hết thời hạn ủy quyền nêu trên mà người đứng đầu VPĐD nước ngoài chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác thì người được ủy quyền có quyền tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu VPĐD nước ngoài trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đứng đầu VPĐD nước ngoài trở lại làm việc tại VPĐD nước ngoài hoặc cho đến khi thương nhân nước ngoài bổ nhiệm người khác làm người đứng đầu VPĐD nước ngoài.
Trường hợp người đứng đầu VPĐD nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu VPĐD nước ngoài hoặc bị chết, mất tích, tạm giam, kết án tù, bị hạn chế mất năng lực hành vi dân sự thì thương nhân nước ngoài phải bổ nhiệm người khác làm người đứng đầu VPĐD nước ngoài.
>> ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM CẦN LƯU Ý GÌ? https://linconlaw.vn/dau-tu-nuoc-ngoai-vao-viet-nam-can-luu-y-gi/
>> LƯU Ý GÌ KHI THÀNH LẬP VPĐD NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM https://linconlaw.vn/luu-y-gi-khi-thanh-lap-vpdd-nuoc-ngoai-tai-viet-nam/

Xử phạt vi phạm về người đứng đầu VPĐD nước ngoài
Tùy thuộc hành vi và mức độ vi phạm, VPĐD nước ngoài có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định sau:
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đồng đối với một trong các hành vi:
– Người đứng đầu VPĐD nước ngoài kiêm nhiệm người đứng đầu chi nhánh của cùng thương nhân nước ngoài đó hoặc của thương nhân nước ngoài khác tại Việt Nam;
– Người đứng đầu VPĐD nước ngoài kiêm nhiệm người đại diện theo pháp luật của thương nhân nước ngoài;
– Người đứng đầu VPĐD nước ngoài kiêm nhiệm người đại diện theo pháp luật của tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam.
Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng giấy phép thành lập VPĐD nước ngoài từ 01 tháng đến 03 tháng.
Căn cứ pháp lý:
- Luật Thương mại 2005;
- Nghị định 07/2016/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam ban hành ngày 25/01/2016;
- Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ban hành ngày 26/08/2020.
𝐋𝐈𝐍𝐂𝐎𝐍 𝐋𝐀𝐖 𝐅𝐈𝐑𝐌 – 𝐇𝐨̛̣𝐩 𝐭𝐚́𝐜 𝐯𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐛𝐞̂̀𝐧
- Tại Hà Nội: Tầng 4, Tòa nhà Sudico, đường Mễ Trì, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
- Tại TP.HCM: 272 Đỗ Pháp Thuận, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
- Website: http://linconlaw.vn/
- Email: Lawyer@linconlaw.vn
- Facebook: https://www.facebook.com/Linconlawfirmm
- Linkedln: linkedin.com/in/lincon-law-firm-100b96201
- Hotline: +84.987.733.358