Với nền kinh tế đang phát triển và hội nhập kinh tế toàn cầu mạnh mẽ, Việt Nam hiện trở thành một điểm đến hấp dẫn cho nhiều doanh nghiệp quốc tế hoặc hợp tác quốc tế. Một trong những khía cạnh quan trọng trong việc mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh ở Việt Nam là việc sử dụng lao động nước ngoài. Tuy nhiên, việc tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài không phải lúc nào cũng dễ dàng và đòi hỏi sự chú ý đặc biệt bởi các doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài.
1. Khái quát chung về trách nhiệm của doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài
Doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam cần tuân thủ quy định của pháp luật lao động và pháp luật liên quan đối với việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý lao động. Điển hình:
– Nhu cầu sử dụng lao động phải phù hợp điều kiện kinh tế, xã hội và tính đáp ứng theo tình hình của doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu chỉ được tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm vị trí công việc quản lý, điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
– Nhu cầu sử dụng lao động phải được đăng ký và chấp thuận theo quy định. Trước khi tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, doanh nghiệp phải giải trình nhu cầu sử dụng lao động và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
– Lao động nước ngoài làm việc phải có đầy đủ giấy phép theo pháp luật lao động.
– Tình hình sử dụng lao động nước ngoài của doanh nghiệp phải được báo cáo theo quy định.
2. Một số vi phạm sử dụng lao động nước ngoài thường gặp của doanh nghiệp và mức phạt
a. Vi phạm nghĩa vụ báo cáo:
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với doanh nghiệp vi phạm sử dụng lao động nước ngoài, cho các hành vi:
– Không báo cáo hoặc báo cáo không đúng nội dung hoặc báo cáo không đúng thời hạn về tình hình sử dụng người lao động nước ngoài theo quy định;
– Không gửi hợp đồng lao động bản gốc hoặc bản sao có chứng thực đã ký kết sau khi người lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động hoặc gia hạn giấy phép lao động tới cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy phép lao động hoặc gia hạn giấy phép lao động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy phép lao động đó đối với trường hợp người lao động nước ngoài làm việc theo hình thức hợp đồng lao động.
b. Vi phạm nghĩa vụ giấy phép:
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi sử dụng lao động nước ngoài không đúng với nội dung ghi trên giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
– Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có hành vi sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động hoặc không có giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc sử dụng người lao động nước ngoài có giấy phép lao động đã hết hạn hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã hết hiệu lực theo một trong các mức sau đây:
+ Từ 30.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người;
+ Từ 45.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 20 người;
+ Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 21 người trở lên.
Ngoài ra, người lao động nước ngoài vi phạm đối với giấy phép hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động có thể bị trục xuất khỏi Việt Nam như một hình thức xử phạt bổ sung.
>> THỜI GIỜ LÀM VIỆC, THỜI GIỜ NGHỈ NGƠI QUY ĐỊNH THẾ NÀO? https://linconlaw.vn/thoi-gio-lam-viec-thoi-gio-nghi-ngoi-quy-dinh-the-nao/
>> VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP TỪ NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM VÀ VẤN ĐỀ CHUYỂN VỐN https://linconlaw.vn/von-dau-tu-truc-tiep-tu-nuoc-ngoai-vao-viet-nam-va-van-de-chuyen-von/

3. Một số lưu ý thêm tránh vi phạm sử dụng lao động nước ngoài
Việc sử dụng lao động nước ngoài đòi hỏi sự cẩn trọng và tuân thủ các quy định pháp luật một cách chặt chẽ. Nếu không tuân thủ đầy đủ, doanh nghiệp vi phạm sử dụng lao động nước ngoài có thể đối mặt với các hậu quả pháp lý và tài chính không đáng có.
Ngoài nghĩa vụ tại mục 1 trên, doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài cũng cần lưu ý thêm đối với các vấn đề:
– Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
– Quy định về lao động, bao gồm quyền và nghĩa vụ của lao động, thời gian làm việc, và mức lương…
– Xuất, nhập cảnh của người lao động nước ngoài.
– Thuế và bảo hiểm xã hội.
– Chính sách an toàn lao động.
– Cập nhật quy định của pháp luật có liên quan từng thời kỳ.
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Lao động 2019;
- Nghị định 152/2020/NĐ-CP về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam ban hành ngày 30/12/2020;
- Nghị định 12/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ban hành ngày 17/01/2022.
𝐋𝐈𝐍𝐂𝐎𝐍 𝐋𝐀𝐖 𝐅𝐈𝐑𝐌 – 𝐇𝐨̛̣𝐩 𝐭𝐚́𝐜 𝐯𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐛𝐞̂̀𝐧
- Tại Hà Nội: Tầng 4, Tòa nhà Sudico, đường Mễ Trì, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
- Tại TP.HCM: 272 Đỗ Pháp Thuận, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
- Website: http://linconlaw.vn/
- Email: Lawyer@linconlaw.vn
- Facebook: https://www.facebook.com/Linconlawfirmm
- Linkedln: linkedin.com/in/lincon-law-firm-100b96201
- Hotline: +84.987.733.358