Hiện nay, khi nền kinh tế mở cửa, giao thương, thương mại trở nên thuận lợi và dễ dàng, nhu cầu mua bán, trao đổi giữa những thương nhân Việt Nam và thương nhân nước ngoài càng phổ biến. Vậy khi ký hợp đồng giữa những đối tượng này, có được thỏa thuận thanh toán bằng ngoại tệ không?
Trong bài viết dưới đây, Công ty Luật Lincon sẽ trả lời về câu hỏi này.
1. Quy định về hạn chế sử dụng ngoại hối
Theo Pháp lệnh ngoại hối quy định về hạn chế sử dụng ngoại hối thì trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Những trường hợp được phép thanh toán bằng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam được quy định cụ thể tại Thông tư 32/2013/TT-NHNN, sửa đổi bổ sung tại Thông tư 16/2015/TT-NHNN và Thông tư 03/2019/TT-NHNN. Một số trường hợp được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép thanh toán bằng ngoại tệ như:
– Ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối (sau đây gọi tắt là tổ chức tín dụng được phép) được giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận bằng ngoại hối trong phạm vi kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép thực hiện theo quy định của pháp luật;
– Người cư trú thực hiện hợp đồng ủy thác nhập khẩu, xuất khẩu theo quy định sau:
+ Người cư trú nhận ủy thác nhập khẩu được ghi giá trong hợp đồng ủy thác nhập khẩu bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản đối với giá trị hợp đồng nhập khẩu từ bên ủy thác nhập khẩu;
+ Người cư trú nhận ủy thác xuất khẩu được ghi giá trong hợp đồng ủy thác xuất khẩu bằng ngoại tệ và thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản đối với giá trị hợp đồng xuất khẩu cho bên ủy thác xuất khẩu;
– Người cư trú là nhà thầu trong nước, nhà thầu nước ngoài thực hiện theo quy định sau:
+ Đối với chi phí ngoài nước liên quan đến việc thực hiện gói thầu thông qua đấu thầu quốc tế theo quy định tại Luật Đấu thầu: nhà thầu được chào thầu bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản từ chủ đầu tư, nhà thầu chính để thanh toán, chi trả và chuyển ra nước ngoài;
+ Đối với việc thực hiện gói thầu theo quy định của pháp luật về dầu khí: nhà thầu được chào thầu bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản từ chủ đầu tư, nhà thầu chính để thanh toán, chi trả và chuyển ra nước ngoài; …

2. Hợp đồng thỏa thuận thanh toán bằng ngoại tệ.
Về vấn đề thỏa thuận thanh toán bằng ngoại tệ trong hợp đồng, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đưa ra 2 hướng:
– Nếu trong nội dung của hợp đồng kinh tế các bên có thoả thuận thanh toán bằng ngoại tệ trong khi đó một hoặc các bên không được phép thanh toán bằng ngoại tệ, thì hợp đồng kinh tế bị coi là vô hiệu toàn bộ. Trong trường hợp này nếu một hoặc các bên có yêu cầu Toà án giải quyết thì Toà án tuyên bố hợp đồng vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu theo thủ tục chung;
– Nếu trong nội dung của hợp đồng kinh tế các bên có thoả thuận thanh toán bằng ngoại tệ trong khi đó một hoặc các bên không được phép thanh toán bằng ngoại tệ, nhưng sau đó các bên có thoả thuận thanh toán bằng Đồng Việt Nam thì không bị coi là vô hiệu toàn bộ.
Như vậy theo Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, nếu hai bên ký kết hợp đồng thỏa thuận thanh toán bằng ngoại tệ mà một bên hoặc các bên không thuộc trường hợp được phép thanh toán bằng ngoại tệ quy định tại Thông tư 32/2013/TT-NHNN, thì hợp đồng đó sẽ bị vô hiệu toàn bộ.
Tuy nhiên, nếu 2 bên ký kết hợp đồng thỏa thuận thanh toán bằng ngoại tệ mà một bên hoặc các bên không thuộc trường hợp được phép thanh toán bằng ngoại tệ quy định tại Thông tư 32/2015/TT-NHNN, nhưng sau đó hai bên lại thanh toán bằng đồng Việt Nam thì Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không coi hợp đồng đó là vô hiệu.
Do đó, khi doanh nghiệp ký kết hợp đồng nên cân nhắc thỏa thuận thanh toán bằng ngoại tệ hay đồng Việt Nam, nếu thỏa thuận trong hợp đồng thanh toán bằng ngoại tệ thì sau đó nên hai bên nên thanh toán bằng ngoại tệ để tránh hợp đồng bị vô hiệu toàn bộ.
Công ty Luật Lincon là công ty luật với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực tư vấn pháp luật, trong đó có hợp đồng. Công ty Luật TNHH Lincon luôn sẵn sàng cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất nhằm đáp ứng nhu cầu liên quan đến tư vấn, giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp.
Căn cứ pháp lý:
- Pháp lệnh ngoại hối 2005 sửa đổi, bổ sung 2013;
- Nghị quyết 04/2003/NQ-HĐTP;
- Thông tư 32/2013/TT-NHNN;
- Thông tư 16/2015/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 32/2013/TT-NHNN;
- Thông tư 03/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 32/2013/TT-NHNN.
𝐋𝐈𝐍𝐂𝐎𝐍 𝐋𝐀𝐖 𝐅𝐈𝐑𝐌 – 𝐇𝐨̛̣𝐩 𝐭𝐚́𝐜 𝐯𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐛𝐞̂̀𝐧
- Tại Hà Nội: Tầng 4, Tòa nhà Sudico, đường Mễ Trì, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
- Tại TP.HCM: 272 Đỗ Pháp Thuận, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
- Website: http://linconlaw.vn/
- Email: Lawyer@linconlaw.vn
- Facebook: https://www.facebook.com/Linconlawfirmm
- Linkedln: linkedin.com/in/lincon-law-firm-100b96201
- Hotline: +84.987.733.358