Việc thực hiện báo cáo đầu tư là thủ tục yêu cầu theo quy định đối với các tổ chức kinh tế được thành lập để thực hiện dự án đầu tư. Tuy nhiên nhiều người thắc mắc liệu một công ty có vốn đầu tư nước ngoài do nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần thì có cần phải làm báo cáo đầu tư hay không, cùng tham khảo bài viết dưới đây.
1. Khái quát về các hình thức đầu tư vào Việt Nam
a. Đầu tư thông qua thành lập tổ chức kinh tế Lập báo cáo đầu tư
Nhà đầu tư có thể đầu tư vào Việt Nam thông qua hình thức thành lập tổ chức kinh tế. Trước khi tiến hành thủ tục thành lập doanh nghiệp, nhà đầu tư phải có dự án đầu tư để thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định pháp luật.
Nhà đầu tư khi thực hiện đầu tư bằng việc thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, hình thức, phạm vi đầu tư cũng như đối tác Việt Nam theo quy định pháp luật.
b. Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào doanh nghiệp
Việc đầu tư vào Việt Nam có thể tiến hành thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế. Góp vốn là việc nhà đầu tư mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần; góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các tổ chức kinh tế khác.
Mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế là việc nhà đầu tư mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông; mua phần vốn góp của các thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty; mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh và mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác.
Khác với việc đầu tư bằng việc thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư khi đầu tư bằng hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào doanh nghiệp sẽ không bắt buộc đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
c. Đầu tư thông qua hợp đồng BBC
Hợp đồng hợp tác kinh doanh (hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế.
Các bên trong hợp đồng sẽ thỏa thuận về nội dung của dự án đầu tư cùng những điều khoản có liên quan để có thể cùng nhau thực hiện dự án đầu tư.
2. Về báo cáo đầu tư
a. Báo cáo đầu tư là gì?
Báo cáo đầu tư hay báo cáo hoạt động đầu tư có thể hiểu là văn bản thống kê bởi chính doanh nghiệp về tình hình thực hiện dự án đầu tư và các thông tin liên quan đến dự án đầu tư như lãi, thời hạn còn lại,… để nhà nước có thể giám sát, quản lý cũng như điều chỉnh pháp luật sao cho phù hợp với thực tiễn nhất.
b. Các đối tượng phải thực hiện báo cáo đầu tư Lập báo cáo đầu tư
Theo quy định pháp luật, các đối tượng phải thực hiện chế độ báo cáo hoạt động đầu tư bao gồm:
– Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
– Cơ quan đăng ký đầu tư;
– Nhà đầu tư, tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư.
Trong đó:
– Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, bao gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
– Tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh.
– Dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định.
c. Nội dung báo cáo và kỳ báo cáo hoạt động đầu tư của doanh nghiệp
Doanh nghiệp sẽ phải báo cáo với Cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước theo từng chu kỳ về các vấn đề sau:
– Báo cáo quý được thực hiện trước ngày 10 của tháng đầu quý sau quý báo cáo.
Nội dung gồm: vốn đầu tư thực hiện, doanh thu thuần, xuất khẩu, nhập khẩu, lao động, thuế và các khoản nộp ngân sách, tình hình sử dụng đất, mặt nước.
– Báo cáo năm được thực hiện trước ngày 31 tháng 3 năm sau của năm báo cáo.
Nội dung gồm: chỉ tiêu của báo cáo quý và chỉ tiêu về lợi nhuận, thu nhập của người lao động, các khoản chi và đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, xử lý và bảo vệ môi trường, nguồn gốc công nghệ sử dụng.
Doanh nghiệp sẽ viết các báo cáo này và gửi trực tuyến thông qua Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư.

>> NGHỈ GIỮA GIỜ LÀM VIỆC, ÁP DỤNG TRONG NHỮNG TRƯỜNG HỢP NÀO? https://linconlaw.vn/nghi-giua-gio-lam-viec-ap-dung-trong-nhung-truong-hop-nao/
>> ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT TRANG THIẾT BỊ Y TẾ https://linconlaw.vn/dieu-kien-san-xuat-trang-thiet-bi-y-te/
3. Giải quyết tình huống
Công ty FDI A, không có Gi (không có số dự án) do thực hiện đăng ký góp vốn mua cổ phần. Hỏi:
– Công ty A có cần phải làm báo cáo đầu tư hay không?
– Nếu cần, thì Công ty A phải làm báo cáo đầu tư như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ những quy định và phân tích trên, công ty A với tư cách tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư vẫn sẽ phải làm báo cáo đầu tư do thuộc đối tượng được yêu cầu. Việc báo cáo sẽ thực hiện theo biểu mẫu và thủ tục quy định bởi pháp luật Đầu tư của Việt Nam.
Căn cứ pháp lý:
- Luật đầu tư 2020;
- Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư ban hành ngày 26/03/2021.
- Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT quy định về mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành ngày 09/4/2021.
𝐋𝐈𝐍𝐂𝐎𝐍 𝐋𝐀𝐖 𝐅𝐈𝐑𝐌 – 𝐇𝐨̛̣𝐩 𝐭𝐚́𝐜 𝐯𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐛𝐞̂̀𝐧
- Tại Hà Nội: Tầng 4, Tòa nhà Sudico, đường Mễ Trì, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
- Tại TP.HCM: 272 Đỗ Pháp Thuận, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
- Website: http://linconlaw.vn/
- Email: Lawyer@linconlaw.vn
- Facebook: https://www.facebook.com/Linconlawfirmm
- Linkedln: linkedin.com/in/lincon-law-firm-100b96201
- Hotline: +84.987.733.358