THUẾ TỐI THIỂU TOÀN CẦU, TUÂN THỦ KHUÔN KHỔ HỢP TÁC QUỐC TẾ VÀ HÀI HÒA LỢI ÍCH NHÀ ĐẦU TƯ

THUẾ TỐI THIỂU TOÀN CẦU, TUÂN THỦ KHUÔN KHỔ HỢP TÁC QUỐC TẾ VÀ HÀI HÒA LỢI ÍCH NHÀ ĐẦU TƯ
THUẾ TỐI THIỂU TOÀN CẦU, TUÂN THỦ KHUÔN KHỔ HỢP TÁC QUỐC TẾ VÀ HÀI HÒA LỢI ÍCH NHÀ ĐẦU TƯ

Chính sách Thuế Tối Thiểu Toàn Cầu dự kiến có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 tới, với mức thuế tối thiểu áp dụng là 15%. Dự kiến, hiệu lực thực thi của chính sách mới sẽ có tác động sâu rộng và mạnh mẽ đến hoạt động của các Tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.

Thuế Tối Thiểu Toàn Cầu là gì?

a. Bối cảnh:

Chính sách thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu (hay “Thuế Tối Thiểu Toàn Cầu”) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng và được nguyên thủ các quốc gia G20 thông qua. Đây là trụ cột thứ hai trong hai trụ cột chính của sáng kiến Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (Base Erosion and Profit Shifting – BEPS), gồm:

– Phân chia quyền đánh thuế, thực hiện đánh giá về phân bổ lợi nhuận và xây dựng các nguyên tắc phân bổ lợi nhuận toàn cầu;

– Đảm bảo rằng tất cả các doanh nghiệp hoạt động đầu tư quốc tế phải trả mức thuế tối thiểu.

Chính sách được xây dựng trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra sâu rộng, sự phát triển của các mô hình kinh tế mới có tác động lớn đến việc thay đổi các mô hình kinh doanh truyền thống. Trong khi đó, Công ty đa quốc gia tận dụng cơ hội để tránh nghĩa vụ thuế thông qua các hoạt động chuyển lợi nhuận, chuyển giá… gây xói mòn nghiêm trọng nguồn thu ngân sách của các quốc gia tận dụng việc nhiều nước thi hành chính sách hạ thuế suất ưu đãi nhằm giữ chân nhà đầu tư nước ngoài. Điều này dẫn đến tình trạng các Tập đoàn đa quốc gia hưởng lợi từ việc có lợi nhuận cao, nhưng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp rất thấp hoặc thậm chí không bị đánh thuế.

Hiện 142/142 quốc gia thành viên, bao gồm Việt Nam (tham gia như thành viên thứ 100) đã đồng thuận.

Nội dung của Chính sách Thuế Tối Thiểu Toàn Cầu:

Về mức thuế suất áp dụng, Thuế Tối Thiểu Toàn Cầu đạt được thỏa thuận là 15%. Theo đó, các Tập đoàn công ty đa quốc gia (MNE) có mức doanh thu hợp nhất ít nhất 2 năm trong 4 năm liền kề trước năm xem xét đạt tối thiểu 750 triệu EUR (hay 800 triệu USD) căn cứ theo báo cáo tài chính của tập đoàn, sẽ bị đánh thuế bổ sung phần chênh lệch trên thuế suất thực tế so với mức Thuế Tối Thiểu Toàn Cầu.

Cụ thể, quốc gia có công ty mẹ tối cao của MNE đặt trụ sở chính sẽ được phép đánh thuế công ty mẹ tối cao trong trường hợp thu nhập của công ty con đặt tại quốc gia khác đang chịu mức thuế suất thấp hơn mức Thuế Tối Thiểu Toàn Cầu (Quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu).

Nếu quốc gia của tất cả các công ty mẹ chưa áp dụng Quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR), thì các quốc gia có công ty trung gian thuộc tập đoàn có quyền đánh thuế công ty mẹ trung gian ở quốc gia đó đối với thu nhập của công ty con ở các quốc gia khác đang chịu thuế ở dưới mức Thuế Tối Thiểu Toàn Cầu (Quy định lợi nhuận chịu thuế dưới mức tối thiểu).

Quy định thuế khấu trừ tại nguồn tối thiểu (The Subject to Tax Rule-STTR) cho phép quốc gia nơi phát sinh thu nhập (lãi tiền vay, tiền bản quyền và một số khoản thanh toán khác) được quyền đánh thuế ở mức thuế suất tối thiểu 9% đối với các khoản thanh toán thu nhập nêu trên cho bên liên kết chịu thuế ở dưới mức thuế suất tối thiểu 9% này. Để thực hiện quyền này, các nước phải tham gia ký Hiệp định đa phương sửa đổi quy định tại các hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa các nước.

Theo quy định mẫu của OECD, các nước có mức thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế thấp hơn Thuế Tối Thiểu Toàn Cầu được ban hành nội luật để thu thuế bổ sung theo Quy định Thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT). Nước nhận đầu tư sẽ được quyền ưu tiên thu thuế QDMTT trước khi nước đầu tư áp dụng thuế tối thiểu 15%, đảm bảo:

–           Xác định các khoản thu nhập chịu thuế tối thiểu (sau khi giảm trừ các khoản thu nhập cơ bản gắn với tài sản hữu hình và lao động) của các công ty thành viên tại một nước (thu nhập chịu thuế tối thiểu nội địa) theo cách tính tương đương với quy định thuế tối thiểu toàn cầu;

–           Quy định nhằm tăng nghĩa vụ thuế nội địa đối với thu nhập chịu thuế tối thiểu nội địa lên mức tối thiểu tính cho các công ty thành viên tại nước đó trong năm tài chính;

–           Được thực hiện và quản lý sao cho tương ứng với kết quả được quy định theo các quy định thuế tối thiểu toàn cầu và tài liệu diễn giải, với điều kiện là nước đó không quy định cho các công ty được hưởng bất kỳ lợi ích nào liên quan trực tiếp đến các quy định về thuế thu nhập bổ sung.

Tuy nhiên, một số trường hợp được loại trừ không phải áp dụng Thuế Tối Thiểu Toàn Cầu gồm: (i)- Doanh nghiệp không đạt ngưỡng doanh thu và lợi nhuận; (ii)- Doanh nghiệp có thuế suất thực tế lớn hơn mức tối thiểu 15%.

Thuế Tối Thiểu Toàn Cầu đạt được thỏa thuận là 15%

>> GIẢM PHÁT THẢI RÒNG VỀ 0 VÀO NĂM 2050 VÀ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH DOANH NGHIỆP ĐỒNG HÀNH https://linconlaw.vn/giam-phat-thai-rong-ve-0-vao-nam-2050-va-chinh-sach-khuyen-khich-doanh-nghiep-dong-hanh/

>> HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA QUỐC TẾ, LƯU Ý GÌ KHI GIAO KẾT?https://linconlaw.vn/hop-dong-van-chuyen-hang-hoa-quoc-te-luu-y-gi-khi-giao-ket/

Bàn về ảnh hưởng của Thuế Tối Thiểu Toàn Cầu đối với Việt Nam

Việt Nam vẫn là quốc gia nhập khẩu vốn đầu tư nước ngoài, với lượng vốn đầu tư đến từ 142 quốc gia, vùng lãnh thổ và đặc biệt từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore nhờ chính sách thuế ưu đãi (miễn thuế đến 4 năm, giảm đến 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo…), cùng các thế mạnh về tình hình kinh tế chính trị ổn định, nguồn lao động lớn…

So với chính sách thuế đang áp dụng khá cạnh tranh và hấp dẫn như hiện nay, việc triển khai áp dụng chính sách Thuế Tối Thiểu Toàn Cầu chắc chắn sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến dòng vốn cùng việc vận hành của các FDI đã thành lập và đang hoạt động tại Việt Nam. Thông qua cơ chế đánh thuế bổ sung, những tập đoàn, doanh nghiệp này có thể được yêu cầu nộp bổ sung tiền thuế để đảm bảo mức 15% Thuế Tối Thiểu Toàn Cầu áp dụng. Đồng thời thủ tục hành chính cùng chi phí phát sinh cần tuân thủ có thể sẽ được áp dụng cho nhóm đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của chính sách.

Đây cũng sẽ là một thách thức không nhỏ đối với Nhà nước khi cần điều chỉnh lại hệ thống nội luật để đảm bảo tuân thủ quy định Thuế Tối Thiểu Toàn Cầu, ổn định nguồn thu thuế song song với việc tìm giải pháp giữ chân, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cũng như sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi chính sách thuế ưu đãi hiện hành đang có nguy cơ bị buộc điều chỉnh và mất phát huy tác dụng trong việc cạnh tranh thu hút dòng vốn ngoại.

Định hướng, động thái của Việt Nam đối với việc triển khai Thuế Tối Thiểu Toàn Cầu hướng tới hỗ trợ nhà đầu tư và hài hòa lợi ích

Đối với những tác động của Thuế Tối Thiểu Toàn Cầu được áp dụng vào thời gian tới, Chính phủ Việt Nam đang tích cực nghiên cứu giải pháp nhằm giải quyết ổn thỏa, ứng phó kịp thời với tình hình thực tế.

Thứ nhất, nghiên cứu sâu rộng và có đánh giá chi tiết, chính xác về phạm vi, mức độ tác động của chính sách Thuế Tối Thiểu Toàn Cầu đối với môi trường đầu tư nước nhà. Từ đó đưa ra giải pháp cụ thể, phù hợp.

Thứ hai, rà soát, xây dựng và hoàn thiện, cập nhật hệ thống nội luật. Chính sách pháp luật cần chú ý không chỉ gói gọn trong lĩnh vực Thuế, phí, lệ phí mà còn cần mở rộng trong lĩnh vực Đầu tư và các lĩnh vực có liên quan.  

Mục đích giữ chân những nhà đầu tư hiện hữu, thu hút nhà đầu tư mới, đảm bảo bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, nhà đầu tư trực tiếp và nhà đầu tư gián tiếp”. Hướng tới “tạo mức độ tin tưởng giữa doanh nghiệp và Chính phủ để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam; thể hiện sự tiến bộ và minh bạch trong hệ thống quản lý thuế và môi trường đầu tư kinh doanh tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế”.

Tài liệu tham khảo:

  • Hồ sơ Bộ Tài chính trình Chính phủ, đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu 2023.
  • Bộ Tài chính (2023), Kỷ yếu hội thảo Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam.
  • Ths. Đặng Thị Mây (2023), Giải pháp áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam, Tạp chí Công thương.
  • Anh Minh (2022), Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu: Những vấn đề đặt ra, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính.

𝐋𝐈𝐍𝐂𝐎𝐍 𝐋𝐀𝐖 𝐅𝐈𝐑𝐌 – 𝐇𝐨̛̣𝐩 𝐭𝐚́𝐜 𝐯𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐛𝐞̂̀𝐧

Bình Luận

Bình Luận

Chưa có bình luận nào.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *